Quen thói “chặt chém” đầu năm

Quen thói “chặt chém” đầu năm

Cứ tết đến, lợi dụng nhu cầu của người dân đi vui xuân, dự lễ hội, nhiều người kinh doanh ăn uống, giữ xe và các dịch vụ khác lại tùy tiện tăng giá vô tội vạ. Mãi đến hôm nay, khi tết đã qua, giá vẫn cao ngất ngưởng, người kinh doanh - dịch vụ vẫn thản nhiên giải thích cho việc tính giá “chặt chém” là “Tết mà!”. Nhiều bạn đọc đã bức xúc phản ánh, góp ý về việc cần xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.

“Cái gì ngày tết cũng đắt hết mà!”

Ngày tết, cả gia đình tôi đi lễ ở phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) bằng xe máy. Vì có rất đông người đi lễ, nên chúng tôi phải gửi xe mãi tận phía ngoài rồi đi bộ vào lễ. Sau khi lễ xong, chúng tôi vào quán bún ốc, mỗi người làm một bát, thưởng thức ngon lành. Khi ăn xong, thật bất ngờ khi bà chủ quán bún “hét” giá 420.000 đồng, nghĩa là 70.000 đồng/bát. Tôi trả tiền và phàn nàn đắt, bà chủ quán cười nhạt bảo: “Giá tết mà em! Thông cảm đi, cái gì ngày tết cũng đắt hết mà!”. Khi ra đến bãi gửi xe, tôi vừa chìa vé để trả tiền, cậu thanh niên giữ xe giọng lạnh tanh nói: “Cho xin mỗi xe 50.000 đồng!”. Tôi hỏi sao lấy đắt như vậy, thì cậu ta trả lời bực dọc, như thách thức: “Giá ở đây là vậy! Tết nhất người ta phục vụ, có mấy chục ngàn một xe mà cũng chê đắt!”. Tôi rút tiền trả mà thấy bực bội, ấm ức. Kiểu làm ăn trục lợi quá đáng, không có lương tâm đạo đức như thế là không thể chấp nhận được.

Chẳng riêng gì hàng ăn và dịch vụ trông giữ xe, rất nhiều dịch vụ, ngành hàng khác cũng cứ quen thói “chặt chém” đầu năm. Đó là cách kinh doanh dịch vụ chụp giật, rất tệ hại, khó bền lâu và làm mất lòng du khách. Rất mong chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan có kiểm tra chấn chỉnh, ngăn chặn việc mượn cớ đầu năm mới để tùy tiện tính giá “chặt chém”.

NGUYỄN THÙY LIÊN
(Cầu Giấy, Hà Nội)

Xử lý nghiêm việc giữ xe quá giá

Trong mùa lễ hội đầu năm mới, thường có tình trạng tùy tiện tăng giá giữ xe quá cao. Có rất nhiều bãi xe (của cả tư nhân và tập thể) ở các địa phương đã bất chấp quy định về giá giữ xe, tự ý lấy giá “cắt cổ”. Trong dịp tết và mùa lễ hội, tại nhiều địa phương, giá giữ một chiếc xe máy lên tới 50.000 - 70.000 đồng, ô tô lên tới 100.000 - 200.000 đồng/chiếc. Việc bị “chặt chém” một cách quá đáng như vậy luôn khiến mọi người cảm thấy bất bình, bực bội. Ngay như ở lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) năm ngoái, tôi còn chứng kiến rất nhiều bãi xe tư nhân niêm yết giá trông giữ xe ở cửa bãi xe là xe máy 15.000 đồng, ô tô 50.000 đồng, để câu khách mang xe vào gửi. Thế nhưng, khi khách trở ra lấy xe thì họ ngang nhiên buộc khách phải trả tiền giữ xe giá cao: xe máy 50.000 đồng/chiếc và ô tô 200.000 đồng/chiếc.

Trong dịp tết, một số điểm giữ xe gần phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) giữ xe quá giá quy định

Để dịch vụ trông giữ xe đi vào khuôn phép, giá cả theo đúng quy định, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải vào cuộc một cách nghiêm túc, nghĩa là kiểm tra gắt gao và triệt để, khi phát hiện chủ bãi xe nào lấy giá quá mức quy định phải lập biên bản ngay lập tức để xử phạt nặng, đồng thời buộc dừng ngay việc kinh doanh của bãi xe ấy.

NGUYỄN VIỆT HƯNG
(quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Lẽ nào bó tay với nạn “chặt chém”

Do tâm lý không muốn đầu năm phải phiền phức, lời qua tiếng lại, nhiều người đành rút tiền để trả dù bị tính giá “cắt cổ”. Cái câu “Tết mà!” giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi dự lễ hội, bởi trong khi giá cả tăng cao thì chất lượng phục vụ lại kém xa so với ngày thường. Giá ăn uống, dịch vụ đầu năm mới tăng vọt, đến khi đã hết tết vẫn chưa chịu xuống, chuyện này năm nào cũng diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng liên quan không kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngăn chặn hiệu quả. Nhiều người kinh doanh vẫn trục lợi với lối tư duy kiểu manh mún nhỏ lẻ, ăn xổi ở thì, làm ăn theo kiểu chụp giật. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa việc bị “chặt chém”, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình, như chuẩn bị kỹ thực phẩm khi đi du xuân để tránh vào các hàng quán khi không cần thiết, còn khi vào các hàng quán hay các điểm dịch vụ cần hỏi giá trước rồi mới đăng ký. Về mặt lâu dài ngoài việc tuyên truyền vận động, giáo dục người dân đạo đức kinh doanh, nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để răn đe. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm về việc tăng giá tùy tiện. Không lẽ chúng ta lại bó tay trước nạn “chặt chém” giá cả một cách ngang  nhiên như vậy!

VĂN THY HOÀNG
(Trường THCS Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục