Hôm qua, 23-11, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ. “Bão” giá cả, quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm trong vụ Vinashin… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng...
“Chúng tôi đã làm đủ, làm đúng chức trách”
Vấn đề trách nhiệm trong vụ Vinashin khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phải trả lời nhiều lần, nhưng dường như một số đại biểu Quốc hội vẫn chưa hài lòng. Thậm chí, tới cuối buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng còn gợi ý Bộ trưởng Vũ Văn Ninh có thể trả lời thêm về vấn đề này ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng.
Là người gợi vấn đề đầu tiên, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi: “Tổng tài sản của Vinashin trên giấy tờ gần 105.000 tỷ đồng, nhưng với việc mua tàu, ca nô cũ như báo cáo thì giá trị thực tế của Vinashin còn bao nhiêu?”. Theo ông Lợi, xét về quy chế giám sát đánh giá hiệu quả của DNNN, tình hình tài chính của Vinashin phải có trách nhiệm phần lớn của Bộ trưởng Tài chính.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời: đến 30-6-2009 tổng tài sản của Vinashin hơn 104.000 tỷ đồng, nợ khoảng 86.000 tỷ đồng. Món nợ này hình thành lên các dự án, các nhà máy (110 nhà máy, trong đó có 28 nhà máy đang hoạt động tốt): “Số đó không mất hết, nhưng để xác định mất bao nhiêu bây giờ phải đánh giá”. Bộ trưởng cho biết, đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán kết hợp với cơ quan điều tra xác định giá trị thực các tài sản còn lại của Vinashin, lúc đó mới trả lời được câu hỏi mà đại biểu nêu.
Trước câu hỏi về trách nhiệm cụ thể mà đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt ra, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện một cuộc thanh tra và 4 cuộc kiểm tra định kỳ. Từ năm 2007-2008, các sai phạm của Vinashin đã được Bộ Tài chính phát hiện, như sử dụng nguồn 750 triệu USD vốn trái phiếu quốc tế Chính phủ cho vay lại, đầu tư không đúng danh mục dự án và các cam kết ban đầu, đầu tư dàn trải… Bộ Tài chính đã có tới 11 kiến nghị, xử lý chấn chỉnh, nhất là việc yêu cầu rà soát lại vốn vay và đầu tư. Tuy nhiên, có những yêu cầu chấn chỉnh mà Vinashin không nghiêm túc thực hiện hoặc không thực hiện. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chúng tôi đã làm đủ, làm đúng chức năng, phát hiện ra nhưng Vinashin chỉ thực hiện một phần, một phần không thực hiện”.
Giải pháp gì trước bão giá?
Giá cả liên tục tăng nhanh, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Bình) cho rằng, việc giá cả trong nước tăng thời gian qua đã làm giảm ý nghĩa của tăng trưởng: “Bộ trưởng giải thích giá cả tăng do giá hàng hóa thế giới tăng là chưa ổn, bởi nhiều nước trong khu vực cũng hội nhập sâu như ta, nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát”.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá cả tăng, trong đó có nguyên nhân là “mức độ hội nhập của chúng ta rất lớn”. Hiện nay giá cả ở nước ngoài cũng tác động tới giá trong nước khi chúng ta đang nhập siêu, chủ yếu nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong nước cũng có nhân tố tác động tới giá như như thiên tai dịch bệnh, nhu cầu sức mua tăng, lãi suất tỷ giá… Kết luận nguyên nhân của tình trạng tăng giá, bộ trưởng khẳng định, tác động vào giá là tổng hợp của nhiều yếu tố nên việc kiểm soát điều hành giá theo thị trường, nhưng phải theo lộ trình, để làm sao không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Giải pháp là tăng cường quản lý, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Mặt khác, chính quyền cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hình thành giá, đăng ký và bán theo giá đăng ký trên địa bàn.
Được hỏi về "cơn sốt" giá vàng và tỷ giá USD, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: “lĩnh vực vàng, USD tôi không phải là người chủ trì”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc "sốt" vàng, USD có tác động rất lớn đến giá cả nói chung.
Được mời tham gia trả lời về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, giá vàng năm nay có diễn biến rất bất thường, đặc biệt là diễn biến giá vàng thế giới trong những tháng gần đây. Đối với trong nước, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, mặc dù nước ta không phải là nước sản xuất và xuất khẩu vàng, nhưng gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển rất nhanh, xuất hiện tình trạng đầu cơ. “Các năm trước số xuất, nhập khẩu vàng gần như không đáng kể và hiện tượng hoạt động mạnh mà có biểu hiện đầu cơ chỉ diễn ra trong 2 năm 2009 và 2010” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định của thị trường. Bên cạnh đó ban hành Thông tư số 22 nhằm quản lý tốt hơn, hạn chế đầu cơ trong hoạt động cho vay kinh doanh vàng.
“Hố tử thần” là hệ quả của tình trạng “cắt khúc” trong quản lý hạ tầng
Đây là ý kiến của ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM). ĐB phản ánh, từ tháng 7 năm 2010, trên địa bàn TPHCM xuất hiện 42 “hố tử thần” trên một số tuyến đường nội đô, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là tình trạng “cắt khúc” trong quản lý các công trình hạ tầng đô thị nói chung và giao thông đô thị, nói riêng. ĐB Phạm Phương Thảo bày tỏ sự băn khoăn sâu sắc về việc thiếu vắng một “nhạc trưởng” trong các vấn đề công chính.
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đồng tình: “Cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành trong quản lý hạ tầng đô thị rất yếu. Đường vừa làm xong thì hai bên nhà xây như... tango ngẫu hứng”.
Ghi nhận vấn đề ĐB Phạm Phương Thảo phản ánh là hoàn toàn chính xác, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đây là điều bất hợp lý đã được nhiều thành phố lớn phản ánh. “Bộ GTVT sẽ bàn với Bộ Xây dựng để xem xét, kiến nghị Chính phủ có sự phân công hợp lý hơn”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các chủ đầu tư công trình và chính quyền địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác nghiên cứu địa chất thủy văn, quản lý, giám sát thi công công trình...
Vinashin nợ không có nghĩa là thua lỗ (?!)
Thẳng thắn đặt vấn đề về sự chính xác của số liệu thống kê, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) dẫn ra những cơ sở cho mối quan ngại của ông về khoản nợ và số lỗ lớn của Vinashin. ĐB nhận xét: “Chúng ta đã thấy rõ hậu quả của việc Vinashin báo cáo không trung thực, vì thế cần phải có kiểm toán khách quan để định lượng đúng tình hình”.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Thực tế lỗ bao nhiêu cơ quan chức năng còn đang tiếp tục làm, nhưng không có chuyện Vinashin lỗ 100.000 tỷ đồng. Đã là DN thì phải có vay, có nợ. Nợ của Vinashin vượt quá cao so với vốn chủ sở hữu nhưng không có nghĩa rằng số nợ này là thua lỗ”.
Được yêu cầu giải trình thêm về trách nhiệm trong vụ việc Vinashin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2005 đã “trao quyền lớn quá cho tập đoàn”, khiến cơ quan chức năng dù đã phát hiện nhiều “lỗ hổng” cũng khó bịt lại. Ông nói: “Cái sai này là đau lắm, đau vô cùng, nhưng là sự trả giá để chúng ta rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong quá trình làm luật”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận không đồng tình: “Nếu phát hiện thấy bất hợp lý trong luật, lẽ ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải kịp thời kiến nghị sửa đổi, không thể nói vì vướng luật mà không làm được”.
Bảo Minh - Anh Thư