Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn

Từ ngày 13 đến ngày 15-6 sẽ diễn ra phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này. Ngày 11-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các đại biểu đã bỏ phiếu chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn là TN-MT, KH-ĐT, Công thương, Công an. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ đại diện lãnh đạo Chính phủ tham gia trả lời chất vấn.
  • 4 Bộ: TN-MT, KH-ĐT, Công thương, Công an đăng đàn
  • Nếu hỏi, Bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm trả lời

Từ ngày 13 đến ngày 15-6 sẽ diễn ra phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này. Ngày 11-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các đại biểu đã bỏ phiếu chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn là TN-MT, KH-ĐT, Công thương, Công an. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ đại diện lãnh đạo Chính phủ tham gia trả lời chất vấn.

- Phóng viên: Cụ thể các nhóm vấn đề nào được quan tâm, thưa ông?

Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC: Với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT là quản lý, phân bổ đầu tư công, nhu cầu làm rõ thêm sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn mục tiêu quốc gia 2012. Bộ TN-MT được yêu cầu giải trình theo nhóm những vấn đề liên quan quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng (vừa qua có những vụ việc bức xúc yêu cầu làm rõ thêm chính sách của Luật Đất đai); vấn đề môi trường, làng nghề, thủy điện liên quan đến môi trường. Bộ trưởng Bộ Công thương được yêu cầu làm rõ thêm tình trạng các DN gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bị co hẹp lại… Với Bộ Công an, đây là lần đầu tiên tham gia trả lời chất vấn sẽ giải trình tập trung vào tình hình tội phạm, các vấn đề tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm vị thành niên, những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa tội phạm.

- Ngoài 4 Bộ trưởng này, các Bộ trưởng khác có tham gia làm rõ thêm các vấn đề nóng xã hội quan tâm không?

Trong quá trình khi các Bộ trưởng trực tiếp trả lời sẽ mời thêm 7 bộ, Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực báo cáo thêm. Ví dụ như Bộ Xây dựng, GTVT, Y tế, NN-PTNT. Kỳ này mỗi bộ có 1 buổi để trả lời chất vấn, ngoài ra có báo cáo thêm một số vấn đề kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng...

- Nhiều vấn đề rất nóng trong lĩnh vực GTVT, sao không đưa vào chất vấn kỳ này?

Trong chương trình sẽ có báo cáo thêm một số vụ việc như Bộ GTVT liên quan an toàn giao thông, giải pháp kiềm chế giao thông, làm rõ thêm một số vụ việc dư luận quan tâm. Vừa qua một số ĐBQH cũng đã gửi câu hỏi chất vấn đến và đề nghị Bộ GTVT trả lời, nhưng xem xét trong quá trình vừa qua, tại kỳ họp thứ 2, Bộ GTVT đã có báo cáo. Chính phủ đã có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 về chất vấn; đã có một số giải pháp bộ đang thực hiện như tích cực đưa ra biện pháp khắc phục giảm ùn tắc giao thông... Bộ GTVT đã có cuộc giải trình về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông tại Ủy ban Pháp luật và được truyền hình trực tiếp… Vì vậy lần này Bộ trưởng Bộ GTVT không trả lời chất vấn. Nhưng bộ sẽ tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

- Vụ việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng rất nóng, nhiều ĐB muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT thì tính sao?

Vụ Vinalines trong phát biểu của Tổng Thanh tra Chính phủ tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa rồi đã báo cáo thêm. Còn trong phiên chất vấn, nếu ĐB hỏi, Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời.

- Thủ tướng có nhận câu hỏi liên quan đến vụ việc ông Dương Chí Dũng?

Vấn đề này liên quan đến Bộ GTVT, vì đây là trách nhiệm của bộ, cán bộ thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

- Phiên chất vấn kỳ này có gì đổi mới?

Sẽ tiếp tục gom các nhóm vấn đề, tránh dàn trải nội dung, tập trung đúng người đúng việc. Để trả lời được nhiều ĐB, thời gian đặt câu hỏi 2 phút, yêu cầu hỏi ngắn gọn, trực tiếp, không khai thác thông tin, tìm hiểu. Chất vấn sẽ cố gắng theo nhóm vấn đề vì nếu không theo nhóm vấn đề sẽ khó ra nghị quyết.

P.Thảo - B.Vân ghi

Bấp bênh sinh kế sau giải tỏa

Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp QH thứ hai vừa được gửi đến các vị đại biểu QH, chuẩn bị phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo đó, tại kỳ họp thứ hai (từ 20-10 đến 26-11-2011), QH đã nhận được 1.678 kiến nghị của cử tri cả nước. Các cơ quan của QH đã tiếp thu, giải quyết 193/193 kiến nghị, con số tương ứng của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ là 1.470/1.476, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là 9/9 kiến nghị.

Vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần là việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Kết quả giám sát cho thấy, chính sách hiện hành chưa giúp người dân phục hồi sinh kế, ổn định đời sống sau khi bị giải tỏa. Cuộc sống của đa số người dân sau thời hạn hỗ trợ của dự án (khoảng 2 - 3 năm) vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ năm 2003 - 2008, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627.000 gia đình và khoảng 95.000 lao động, 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất ở có 1,5 lao động không có việc làm, mỗi hécta đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Một thực tế đang gây bức xúc cho người dân trong công tác di dân giải phóng mặt bằng là chênh lệch quá cao giữa giá bồi thường cho người dân khi thu hồi đất (từ đất nông nghiệp) và giá bán của nhà đầu tư trên thị trường sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng…

A.Thư

Tin cùng chuyên mục