Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ: Khuyến khích xã hội hóa hoạt động lưu trữ

* Chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân

(SGGP). – Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ. Đa số các ý kiến đều cho rằng cần thiết ban hành Luật Lưu trữ, vì lưu trữ là lĩnh vực cực kỳ quan trọng nhằm giữ gìn, bảo tồn và khai thác các tài liệu quý, cả vật thể và phi vật thể của quốc gia dân tộc, của các cơ quan, tổ chức, của các dòng tộc, cá nhân trên các tất cả các lĩnh vực. Công tác lưu trữ càng tốt, càng đầy đủ thì giá trị của nền văn hiến, lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia càng sâu sắc hơn và sẽ có tác dụng to lớn trong giáo dục cho các thế hệ, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.

Về quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) cho rằng, tuy luật đã nêu rõ các danh mục tài liệu có giá trị cần lưu trữ và việc đăng ký hướng dẫn kỹ thuật việc hiến tặng, ký gửi, mua bán. Nhưng chưa làm rõ được các tài liệu đó thuộc phông lưu trữ nào? Rất nhiều tài liệu của dòng tộc, của tộc phả và cá nhân quản lý nhưng có giá trị đặc biệt quý hiếm với quốc gia thì Nhà nước có quản lý không và đăng ký khai thác sử dụng như thế nào? Cần làm rõ vấn đề này trong luật.

Về tổ chức lưu trữ lịch sử, tuy vẫn còn một số ý kiến đề nghị có lưu trữ cấp huyện nhưng đa số các đại biểu tán thành với dự thảo luật là chỉ nên có 2 cấp là phông lưu trữ lịch sử Trung ương và phông lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh. Các đại biểu cũng tán thành luật cần quy định cụ thể điều kiện để tổ chức, cá nhân được thực hiện các dịch vụ hoạt động lưu trữ. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động lưu trữ, chính sách thu hút cộng đồng tham gia vào hoạt động lưu trữ này.

Chiều 19-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm, do đây là một ngành nghề chuyên sâu nên giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Bộ Tài chính đảm nhận (thay vì Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Một số nội dung cụ thể khác được ông Kiêm đồng tình là chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân; không nên hạ thấp tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên…

Có cùng quan điểm thận trọng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị luật quy định các doanh nghiệp kiểm toán phải mua bảo hiểm nghề nghiệp cho kiểm toán viên của mình để tránh rủi ro. Bà Khá cũng nêu quan điểm cần dần dần bổ sung các đối tượng bắt buộc phải kiểm toán, nhất là các DN có sử dụng vốn nhà nước (trừ các dự án thuộc danh mục bí mật quốc gia) để hướng tới một nền kinh tế lành mạnh và minh bạch hơn.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Cần Thơ), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) đồng tình với việc không cho phép DNKT và kiểm toán viên được cung cấp các dịch vụ hạch toán kinh doanh, thuế… đồng thời với dịch vụ kiểm toán trong ít nhất 3 năm để tránh tình trạng “làm tròn, làm sạch” báo cáo kiểm toán, hay nói cách khác là “vừa đá bóng vừa thổi còi”...

Tuy nhiên, các đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) lại có quan điểm đảm bảo sự bình đẳng cho các DNKT hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đại biểu Loan phân tích: “Luật Doanh nghiệp đã quy định thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép của DN là của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Bộ Tài chính chỉ nên phối hợp kiểm soát. Ngoài ra, đã coi DNKT là DN bình thường thì tại sao lại quy định giám đốc, tổng giám đốc DNKT phải góp ít nhất 10% vốn điều lệ, bởi vì theo Luật Doanh nghiệp thì DN hoàn toàn có thể đi thuê giám đốc, tổng giám đốc?”.

Đồng thuận với quan điểm này, đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) nói: “Kiểm toán là loại hình dịch vụ cao cấp giúp chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế. Trong lĩnh vực này, yếu tố “vốn” quan trọng nhất không phải là tiền bạc mà chính là trình độ, năng lực, chất xám của kiểm toán viên. Do vậy, nên tạo điều kiện để các DNKT Việt Nam mở rộng cung cấp dịch vụ này cho khu vực và quốc tế”.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên, theo đại biểu Ngô Minh Hồng, trước mắt nên giao cho Bộ Tài chính nhưng sau này có thể giao cho hiệp hội nghề nghiệp. Củng cố năng lực của hiệp hội và dần dần giao cho hiệp hội một số trách nhiệm như đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên, cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên…  

PH. THẢO - A. THƯ

Tin cùng chuyên mục