Quốc hội thông qua Luật An toàn thông tin mạng

* Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật dược (sửa đổi).

* Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật dược (sửa đổi).

(SGGPO).- Sáng nay, 19-11, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An toàn thông tin mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, về bảo vệ thông tin cá nhân, UBTVQH nhận thấy việc bảo vệ thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân là vấn đề thời sự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nhiều quốc gia có các đạo luật riêng về vấn đề này. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng trình Quốc hội chỉ quy định các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin truyền đưa trên mạng được nguyên vẹn, không bị gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại, được bảo mật tốt. Tuy trong dự thảo luật không điều chỉnh vấn đề liên quan đến nội dung thông tin và thông tin riêng nhưng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tại Điều 18 “cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân” đã được chỉnh sửa và quy định rõ tại các khoản của Điều này.

Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được quy định khá cụ thể tại các văn bản luật khác như: Bộ luật Dân sự (Điều 38 về quyền bí mật đời tư); Bộ luật Hình sự (Điều 125 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác); Luật Công nghệ thông tin (Điều 9 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, Điều 12 về các hành vi bị nghiêm cấm); Luật Báo chí (Điều 10 về những điều không được thông tin trên báo chí)... Vì vậy, UBTVQH xin phép Quốc hội được quy định về vấn đề này như trong dự thảo luật.

Đáng chú ý, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần thiết lập kênh thông tin trực tuyến, xử lý phản ánh của người dân về các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Tiếp thu điều này, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân: “Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân”.

Về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Ban Soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ quy định về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; gộp quy định về các giấy phép, giấy chứng nhận đối với các loại sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng để chỉ còn lại 1 loại giấy phép là Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Các quy định về Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đã được xóa bỏ, nội dung các quy định này đã được đối chiếu, lồng ghép vào các điều quy định về giấy phép. Như vậy, vấn đề cấp phép đã được đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thống nhất và kéo dài thời hạn của giấy phép cung cấp dịch vụ là 10 năm để không ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã quy định thống nhất thời hạn cho giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng là 10 năm…

Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.

3. Việc xử lý sự cố an toàn thông tin mạng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức.

4. Hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

2. Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

3. Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

4. Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

6. Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

(Trích nội dung Luật An toàn thông tin mạng vừa được Quốc hội thông qua)


Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp

Sáng 19-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật dược (sửa đổi). Chính phủ cho rằng, Luật dược có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2005, sau 10 năm thi hành vẫn còn một số vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi. Trong đó có vấn đề về chính sách của Nhà nước; về quản lý giá thuốc; kinh doanh thuốc.. Vì vậy, cần phải sửa đổi Luật dược.

Việc sửa Luật dược nhằm bảo đảm hà nước quản lý một cách chặt chẽ từ sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán, cung ứng thuốc, thông tin, quảng cáo đến sử dụng thuốc nhằm bảo đảm chất lượng thuốc đến người sử dụng. Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước để vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thuốc phát triển…

Báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi) của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Cụ thể, về quy định người nước ngoài hành nghề dược tại Việt Nam, Dự thảo Luật chỉ dành khoản 6 Điều 25 quy định về người hành nghề dược là người nước ngoài tại Việt Nam là chưa đủ, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định chi tiết về trường hợp dược sĩ là người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam như Luật khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

Về quản lý giá thuốc, Ủy ban thấy rằng dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc. Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.

Ủy ban cũng cho rằng, các quy định về giá thuốc của dự thảo Luật cần quan tâm thêm các vấn đề. Cụ thể, thuốc do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ KCB không do quỹ BHYT chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá. Do vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao”. - Tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Về đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, dự thảo Luật quy định 3 nhóm đối tượng phải được cấp CCHN dược là cán bộ chuyên môn ở cơ sở sản xuất, khoa dược ở bệnh viện và ở cơ sở bán lẻ thuốc. Đây là bước tiến nhằm chuẩn hóa người hành nghề dược so với Luật dược hiện hành (chỉ cấp CCHN dược cho 1 đối tượng, đó là người quản lý chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh thuốc). Tuy nhiên, 3 nhóm đối tượng được cấp chứng chỉ vẫn chưa bao phủ hết số người làm chuyên môn dược hiện nay (CCHN y bao phủ hết số người làm chuyên môn y tế). Đây cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau. Ủy ban tán thành với quy định của dự thảo Luật, đó là cấp cho 3 nhóm đối tượng với lộ trình hoàn thành vào năm 2020, đây là các vị trí chủ chốt về dược. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định cấp CCHN cho một số đối tượng khác phù hợp với quá trình phát triển trên cơ sở các điều kiện được cấp CCHN của Luật dược.

Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, Ủy ban tán thành loại ý kiến đề nghị quy định CCHN có thời hạn là 5 năm. Bởi quy định CCHN có thời hạn sẽ phù hợp với xu thế hội nhập, tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng chuyên môn của người hành nghề, nhiều nước trên thế giới quy định thời hạn đối với CCHN dược, đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa Luật KCB đồng bộ với quy định này.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số vấn đề sau: quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc sử dụng thuốc; đặc biệt quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân, cơ sở cung ứng thuốc và thủ tục xử lý tiếp theo trong trường hợp có tai biến xẩy ra khi sử dụng thuốc, nhất là thuốc bị thu hồi...; quy định mang tính nguyên tắc về bán thuốc cấp cứu ban đêm trên các tiêu chí dân số, địa bàn dân cư, nhu cầu người dân; nghĩa vụ niêm yết công khai giá thuốc, giờ bán thuốc và thông tin về người hành nghề. Quy định cấm nhập khẩu một số loại thuốc (trừ cơ sở được Bộ Y tế cho phép) trong trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và cộng đồng (thuốc trị lao được bán tự do, nên người dân mua thuốc/thầy thuốc tư nhân chữa bệnh không đầy đủ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lao). Đặc biệt, mỹ phẩm dù là thuốc hay không phải là thuốc nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng và vấn đề này hiện đang được điều chỉnh bằng 1 thông tư của Bộ Y tế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để luật hóa vấn đề này.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục