Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự

Sáng 25-11, Luật Thi hành án dân sự đã được QH biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành 84,10% trên tổng số ĐBQH.
Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự

(SGGPO).- Sáng 25-11, Luật Thi hành án dân sự đã được QH biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành 84,10% trên tổng số ĐBQH.

Tại Báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước đó, liên quan đến đề nghị bổ sung quy định các trường hợp người được thi hành án thuộc hộ nghèo, diện chính sách thì không phải chịu phí thi hành án; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, để bảo đảm tính ổn định của Luật và sự linh hoạt trong việc xác định đối tượng miễn, giảm phí thi hành án phù hợp với tình hình thực tiễn, trong Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về việc miễn, giảm phí thi hành án, các đối tượng cụ thể giao cho Chính phủ quy định. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: Lã Anh

Ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, qua quá trình góp ý vào dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với các quyết định về thi hành án dân sự (THADS).

“Vấn đề này đã được UBTVQH giải trình cụ thể tại Báo cáo số 747/BC-UBTVQH13 ngày 16-10-2014. Đây là nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu khi sửa đổi Luật tố tụng hành chính và sửa đổi toàn diện Luật THADS. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa bổ sung nội dung trên trong lần sửa đổi này”, ông Nguyễn Văn Hiện nói.

Về yêu cầu thi hành án, các ĐBQH có hai luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật giữ quy định 2 cơ chế ra quyết định thi hành án: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án. 

UBTVQH nhận thấy, quy định về cơ chế ra quyết định thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng của Luật này. Vì vậy, mặc dù UBTVQH đã giải trình đầy đủ tại Báo cáo số 747/BC-UBTVQH13, Chính phủ cũng đã có văn bản kiến nghị cho giữ như quy định hiện hành, nhưng để bảo đảm sự thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp lấy ý kiến của các ĐBQH bằng phiếu ở cả hai phương án.

Theo đó, ý kiến của các vị ĐBQH về phương án “bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án” (thể hiện qua phiếu) chưa có sự đồng thuận cao. Thực tiễn cũng cho thấy, cơ chế ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. Hạn chế trong THADS hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về yêu cầu thi hành án như dự thảo Luật. 

Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, ĐBQH cũng có hai luồng ý kiến, sau khi xin ý kiến của các ĐBQH bằng phiếu, UBTVQH đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là người ra quyết định thi hành án.

Về xác minh điều kiện thi hành án, tiếp thu góp ý của ĐBQH, Luật đã bổ sung quy định niêm yết công khai kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành xác minh.

Về ý kiến đề nghị quy định tăng thời hạn tự nguyện thi hành án lên 20 ngày (Điều 45), UBTVQH nhận thấy, về nguyên tắc, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được các bên đương sự tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Khi người phải thi hành án không tự nguyện và người được thi hành án có đơn yêu cầu, cơ quan THADS phải thụ lý, tổ chức thi hành án.

 Thực tiễn cho thấy, quy định thời gian từ khi bản án có hiệu lực đến khi Chấp hành viên tiến hành xác minh đã đủ để người phải thi hành án tự nguyện thi hành, đồng thời, nhằm hạn chế việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh thi hành án. Do đó, đề nghị giữ quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án như dự thảo Luật.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục