Quota và sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc

Quota và sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc

Ngày 26-1-2006, tuyên bố chính thức của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Han Dook-soo như trái bom nổ giữa bầu trời điện ảnh nước này: kể từ tháng 7-2006, chính phủ sẽ cắt giảm 50% tỷ lệ chiếu phim nội. Các nhà điện ảnh Hàn Quốc lập tức phản ứng, xem đây là “cú đảo chính văn hóa”, một “đòn chí mạng” đối với nền công nghiệp điện ảnh nước nhà và đòi chính phủ thu hồi lại quyết định nói trên.

  • “Không quota, không có phim xuất sắc”

Quota và sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc ảnh 1

Một rạp chiếu bóng ở Hàn Quốc.

Tại LHP quốc tế Berlin khai mạc ngày 9-2 vừa qua, đạo diễn bộ phim nổi tiếng Old Boy (Giải thưởng lớn LHP Cannes 2004) đã đứng trước quảng trường Postdam với tấm biển mang hàng chữ “Korean Film are in danger” (Điện ảnh Hàn Quốc đang lâm nguy) để biểu thị sự bất đồng với quyết định trên của chính phủ.

Từ năm 1966, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một đạo luật, thường được gọi là Screen Quota, buộc các rạp chiếu phim trong nước phải chiếu phim quốc nội ít nhất 146 ngày trong một năm (như vậy, kể từ tháng 7 tới, con số này chỉ còn là 73 ngày). Đạo luật Screen Quotas được không ít các quốc gia trên thế giới ủng hộ, ở mức độ này hay mức độ khác, coi đó là phương sách để bảo vệ nền văn hóa và công nghiệp điện ảnh địa phương.

Cùng với việc cắt giảm quota phim nội nói trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc cho biết sẽ dành 400 tỷ won trong vòng 5 năm tới để giúp ngành điện ảnh tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đưa công nghiệp điện ảnh trở thành một trong những ngành chủ chốt của kinh tế đất nước. 200 tỷ won sẽ được “giải ngân” trong các năm 2007 và 2008.

  • Cơn sóng Hàn Quốc và Hallyu

Giờ đây, nền điện ảnh xứ Hàn đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Nhiều bộ phim Hàn Quốc nhận được giải thưởng cao ở các liên hoan phim quốc tế lớn. Nền điện ảnh nước này cũng đã sinh ra những lớp đạo diễn, diễn viên tài ba, nhiệt huyết và sáng tạo như Lee Chang-dong, Im Kwon-teak, Park Chan-wook, Kim Ki-duk, Hong Sang-soo, Choi Mil-sik, Bae Young-jun, Jang Dong-kun, Kwon Sang-woo, Lee Young-Ae, Song Hye-kyo, Choi Ji-woo...

Quota và sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc ảnh 2

Áp phích quảng cáo phim trên đường phố Seoul. 

Các bộ phim, cùng với âm nhạc và truyền hình, đã tạo nên một làn sóng sản phẩm văn hóa Hàn Quốc - thường được gọi là “Hallyu” (“Hàn lưu”)- ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Á, góp phần quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới, tạo điều kiện “thông thương” cho các sản phẩm kinh tế khác của xứ sở kim chi (nam diễn viên Bae Young-jun (vai chính trong phim Bản tình ca mùa đông) được mệnh danh là “One Man Corp.”-”công ty một người”, “hiệu quả kinh tế” của riêng tên gọi của nam diễn viên này năm qua được đánh giá ước khoảng 4 tỷ đô-la trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản).

Năm 2004, doanh số của thị trường điện ảnh Hàn Quốc đạt 2.800 tỷ won. Tới năm 2010, con số này ước tính đạt 4.000 tỷ. Năm 2004, tổng số khán giả trong nước đi xem phim là 135 triệu lượt người, tăng 220% so với năm 2000. Trong thời gian đó, tỷ lệ phim nội địa tăng từ 35% lên 60%, số các hãng nội địa làm phim tăng từ 700 lên 1.300.

Năm 2005, doanh số xuất khẩu phim Hàn Quốc tăng 15% so với năm trước, đạt 67 triệu đô-la, trong đó châu Á chiếm 80%, châu Âu 16%, Bắc Mỹ 3%. Năm qua, bộ phim có doanh thu xuất khẩu cao nhất là April Snow (Tuyết tháng Tư), 7,5 triệu đô-la.

Riêng trong tháng 1-2006, tỷ lệ phim nội đạt con số kỷ lục là 78% nhờ việc công chiếu hai bộ phim mới ăn khách The King and the Clown (Nhà vua và anh hề) và My Boss, my teacher (Sếp tôi, thầy giáo của tôi). Nhà vua và anh hề trở thành một trong 3 bộ phim nội có số người xem đông nhất, trên 10 triệu lượt người (hai bộ phim khác là Silmido và Teagukgi, đều được hơn 11 triệu người xem vào năm 2004).

  • Vào sân chơi “các anh cả”

Chính phủ Hàn Quốc mong muốn nâng thị phần của điện ảnh Hàn Quốc trên thị trường thế giới từ 2,8% hiện nay lên 5% vào 2010, thông qua việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa sang Trung Quốc và Nhật Bản, đẩy mạnh ảnh hưởng của Hallyu sang Đài Loan và Thái Lan, xem Trung Đông và châu Mỹ la-tinh là những thị trường tiềm năng.

Theo đường hướng đó, Hàn Quốc đã xây dựng một trung tâm rộng lớn dành riêng cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy đặt tên là Hallyuwood (tạm dịch là “Khu rừng của Cơn sóng Hàn Quốc”, chơi chữ từ Hollywood) nằm cách thủ đô Seoul không xa.

Không ít khán giả yêu phim trên thế giới rất khâm phục tinh thần ngoan cường của các nhà điện ảnh Hàn Quốc trong việc chống chọi với “chiếc xe lu” khổng lồ Hollywood.

Chính phủ Hàn Quốc nhận định rằng, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã đủ lớn để có thể tự tin bước vào sân chơi “các anh cả”. Nếu cứ tiếp tục duy trì chế độ quota có thể sẽ gây ra “hiệu ứng ngược”, khiến nó mất dần tính cạnh tranh (những bộ phim yếu kém vẫn “sống sót” nhờ được bảo hộ).

Giờ đây, có thể bảo vệ nền công nghiệp điện ảnh trong nước bằng nhiều cách khác, như tăng cường đầu tư và giúp đỡ tài chính, mở rộng hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước châu Á, ưu tiên đào tạo đội ngũ các nhà chuyên môn trẻ, nghiên cứu phát triển công nghệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu phim...

Việc cắt giảm tỷ lệ thời gian bắt buộc chiếu phim nội đối với các rạp chiếu bóng xuống ngang bằng với quota của các nước khác sẽ giúp cho Hàn Quốc có thể thương thuyết tích cực hơn với các đối tác của mình trong khuôn khổ WTO, điều quan trọng sống còn đối với một nước sống nhờ thương mại và xuất khẩu như Hàn Quốc. 

QUỐC MINH

Tin cùng chuyên mục