Ngày 15-6, Quốc hội (QH) dành trọn buổi sáng để chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những vấn đề được tập trung chất vấn chủ yếu về giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ; trách nhiệm của bộ ngành, Chính phủ trong việc thất thoát tài sản Nhà nước; đề án tái cơ cấu kinh tế còn nhiều nội dung chưa rõ...
Không để lạm phát quay lại
Đại biểu (ĐB) Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) hỏi, năm 2012, nền kinh tế có rơi vào suy giảm hay không, mức độ nào? Kinh tế nước ta đã rơi vào đáy khó khăn chưa? Chính phủ đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và thị trường, trong đó có chính sách thuế, vậy giải pháp nào để ngăn ngừa lạm phát quay lại? Về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quý 2-2012 tăng trưởng 4%, thấp nhất, nhiều DN khó khăn, phá sản. Nhưng sang tháng 5, tình hình đã khá hơn, số DN giải thể ít hơn, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất khá hơn, hàng tồn kho giảm. “Chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển”, Phó Thủ tướng lạc quan.
Chính phủ đặt ra gói hỗ trợ DN, thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng, cùng với đó lãi suất giảm, từ nay đến cuối năm mỗi tháng sẽ đưa ra nền kinh tế 21.000 tỷ đồng vốn Nhà nước. “Có thể có nguy cơ làm lạm phát quay lại. Nhưng các chính sách này đều nằm trong kế hoạch, không bất ngờ, là gói hỗ trợ chứ không phải gói kích thích, lại kết hợp với các chính sách tiền tệ, tài khóa... nên bảo đảm không để lạm phát quay lại. Chúng ta không coi trọng tăng trưởng mà bỏ qua lạm phát. Vẫn phấn đấu tăng trưởng khoảng 6% và lạm phát 8-9%. Chính phủ cam kết điều hành không để lạm phát quay lại”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) chất vấn, khi thu hồi đất, làm thế nào để bảo đảm đời sống của người dân? Thu hồi đất để xảy ra khiếu kiện do không bảo đảm hài hòa được các lợi ích, giải pháp nào? “Di dân, tái định cư, nhất là ở vùng miền núi tới nơi ở mới phải bằng hoặc hơn cuộc sống ở nơi ở cũ. Đó là chủ trương xuyên suốt và các nhà đầu tư phải thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Không nên sợ trách nhiệm, mất ghế
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu đề án cải cách thủ tục hành chính đã triển khai nhiều năm nhưng cử tri vẫn kêu “1 cửa nhưng nhiều ngách”, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Giải pháp nào để tiếp tục giảm bộ máy, giảm phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân? Về điều này, Phó Thủ tướng thừa nhận, cải cách hành chính đã có kết quả tốt, nhưng vẫn còn nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó DN và người dân. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, hạn chế thủ tục không cần thiết, áp dụng 1 cửa điện tử liên thông.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, một vấn đề được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là công tác cán bộ và kỷ luật kỷ cương hiện chưa nghiêm? “Năng lực, trình độ của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu; kỷ cương, kỷ luật thấp, trách nhiệm chưa cao, trì trệ, chậm đổi mới. Một bộ phận cán bộ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, biến chất. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ nhiều bất cập. Chọn nhân tài đang là vấn đề lớn hiện nay”, Phó Thủ tướng nhìn nhận. Để khắc phục, Phó Thủ tướng cho rằng phải rà lại quy định về tuyển dụng cán bộ, công khai các tiêu chuẩn để loại bỏ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín, tiến hành thanh tra công vụ thường xuyên để loại bỏ những cán bộ công chức yếu kém. “Cán bộ cần nâng cao năng lực trình độ, không được chủ quan; nâng cao năng lực hành động, đi sát thực tiễn để có quyết sách đúng mà không sợ trách nhiệm, mất chức, mất ghế”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Các bộ tổng hợp, bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Những năm gần đây, lạm phát cao, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn như PMU18, Vinashin, Vinalines. Nếu không chống được tham nhũng, Việt Nam không phải là nước chậm phát triển mà là nước khó phát triển. Chính phủ có giải pháp gì? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mỗi thất thoát hay bất kỳ hiện tượng xã hội nào không tốt, dù 1 con tàu bị chìm, 1 máy bay bị nổ đều liên quan đến Chính phủ, đến các bộ ngành. Chính phủ nhận thức rõ nên đã phân công, phân cấp trong điều hành.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn: “Từ khi xảy ra vụ Vinashin, tôi và nhiều người đã đề nghị phải tăng cường tính công khai minh bạch về hoạt động của các tập đoàn nhà nước, giống như đơn vị niêm yết chứng khoán, tại sao chưa làm, chỉ đến khi thanh tra mới biết các sai phạm?”. “Việc chậm trễ trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan là chuẩn bị chưa tốt. Tới đây sẽ công khai hoạt động của tập đoàn như một công ty lên sàn chứng khoán để giám sát tốt, chống tiêu cực”, Phó Thủ tướng cam kết.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) chất vấn: “Khóa trước, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc nói vô can trong vụ Vinashin. Vừa rồi, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh lại nói vì không được báo cáo nên không nắm bắt được vụ Vinalines. Theo quan điểm của Phó Thủ tướng và Chính phủ, trách nhiệm các bộ đến đâu trong việc giám sát, quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước?”. “Theo luật, các bộ tổng hợp, các bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản vốn nhà nước”, Phó Thủ tướng khẳng định. Không nêu cụ thể trách nhiệm của từng bộ với những sai phạm cụ thể ở Vinashin, Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xác định rõ vấn đề này. “Sắp tới Chính phủ tăng trách nhiệm hơn nữa, nhất là của các bộ ngành”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết ngày 16-6, Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về nghị định mới về quản lý, giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của các bộ khi để xảy ra thất thoát, tham nhũng. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị: “Khi làm rõ trách nhiệm của các bộ đối với thất thoát ở các tập đoàn, Chính phủ nên công khai để nhân dân biết”. Phó Thủ tướng thừa nhận, Chính phủ đang nợ 7 văn bản, nghị định về vấn đề này. “Chậm nhất trong quý 3-2012 sẽ ban hành đầy đủ, công khai cho dân. Công khai, minh bạch là một yêu cầu bắt buộc”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Lâm Nguyên
| |
Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Trước khi đi vào trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 mà ĐBQH quan tâm, góp ý tại kỳ họp lần này. Báo SGGP xin giới thiệu một số nội dung chính của báo cáo.
Kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp
Phó Thủ tướng cho biết nền kinh tế nước ta từng bước vượt qua giai đoạn rất khó khăn, mặc dù trước mắt còn nhiều trở ngại, thách thức. Chính phủ chủ trương quyết tâm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Đảng, QH đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%, lạm phát 7 - 8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong nghị quyết QH.
Trước tình hình DN gặp khó khăn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp tháo gỡ. Trong 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 DN ngừng hoạt động, giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011, nhưng trong tháng 5, số DN ngừng hoạt động, giải thể giảm khoảng 10% so với bình quân 4 tháng. Trong khi đó, số DN đăng ký thành lập mới cao hơn số ngừng hoạt động, giải thể. Hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống 32,1% của tháng 4 và 29,4% của tháng 5 năm 2012. Chính phủ đã triển khai tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, giải quyết nợ xấu. Theo kế hoạch, vốn nhà nước đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng khoảng 21.000 tỷ đồng.
Về vấn đề đất đai, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đúng kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); khẩn trương nghiên cứu trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kéo dài hơn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp so với quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai, yên tâm sản xuất; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Trước mắt, tại kỳ họp này, Chính phủ trình QH xem xét ban hành Nghị quyết về kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp.
Vụ Vinalines: Xử lý nghiêm
Về DNNN, Phó Thủ tướng cho rằng, DNNN là một công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn hiệu quả, một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các DN, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật. Tới đây, hàng năm sẽ đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu đối với DN, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng DNNN, đặc biệt là của bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ quan, DN. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với DNNN.
Về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó Thủ tướng cho biết, đây là một DNNN có quy mô lớn, đã có giai đoạn phát triển tốt, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trước hết là do những yếu kém, hạn chế của lãnh đạo tổng công ty, trong mấy năm gần đây, tổng công ty liên tục gặp nhiều khó khăn. “Những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những sai phạm của lãnh đạo tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước mới được phát hiện gần đây đang là vấn đề gây bức xúc, được QH và nhân dân quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phan Thảo
Người dân cần cẩn trọng khi làm ăn với đối tác nước ngoài
Bên hành lang kỳ họp QH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nhận định: Tình trạng người nước ngoài vào thu mua nông sản, thủy sản rồi quỵt tiền nông dân nguyên nhân do lúc đầu họ nâng giá thu mua nông sản, làm nông dân thấy có lợi, đặt niềm tin vào đó mà không cảnh giác, đề phòng. Sau một thời gian, họ không thu mua nữa khiến nông dân sản xuất ra nông sản không có chỗ bán; tệ hơn nữa là nợ tiền mà không trả. Qua việc này, chúng ta phải có cách khuyến nghị, tuyên truyền đến người dân khi làm ăn phải kiểm tra cơ sở pháp lý; có hợp đồng, có căn cứ; đối tác thu mua phải có địa điểm, chức danh rõ ràng mới tiến hành. Trong chuyện này, trách nhiệm của địa phương nhiều hơn. Bộ Công thương thật ra có phần chức năng quản lý Nhà nước, nhưng họ chỉ ra cơ chế pháp luật, chứ không xuống kiểm soát cụ thể. Xét về mặt pháp lý chúng ta không có cách gì để quy kết trách nhiệm bồi thường cho người dân, vì thương lái lừa đảo đã chạy mất, chúng ta xử lý ai?! Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên xem xét những trường hợp cụ thể để có cách hỗ trợ.
B.Vân ghi
>> Hạn chế các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế