Hạn chế các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Hạn chế các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

(SGGPO).- Mở đầu buổi chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng nay, 15-6, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, qua báo cáo, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là qúa trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ có giải pháp nào đột phá để bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội?

Trả lời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, không vì những vấn đề kinh tế mà đổ bể các vấn đề xã hội. Bản chất cơ cấu là phân bổ lại các nguồn lực để hiệu quả hơn, trong đó có nguồn lực lao động. Chúng ta sẽ khai thác tối đa nguồn lực lao động, muốn như vậy phải đẩy mạnh văn hóa, giáo dục - đào tạo. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, lĩnh vực Nhà nước, nhất là doanh nghiệp Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Sẽ có một bộ phận người lao động mất việc làm, tạo vấn đề xã hội phát sinh. Các đại biểu Quốc hội đã góp ý về việc Đề án chưa thể hiện kinh phí cần thiết để xử lý các vấn đề xã hội trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Chính phủ rất chú trọng việc này, trong đó sẽ triển khai Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, có vốn ODA để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế. Chính phủ tin các vấn đề xã hội sẽ được quan tâm giải quyết trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu Đề án cải cách thủ tục hành chính đã triển khai nhiều năm nhưng cử tri vẫn kêu “một cửa nhưng nhiều ngách”, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, giải pháp để tiếp tục giảm bộ máy, giảm phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân?.

Về điều này, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua lần đầu tiên chúng ta đã thống kê thủ tục hành chính cả nước, công bố hết trên các cổng thông tin điện tử của chính quyền các cấp. Đã đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính không cần thiết. Cải cách hành chính để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. Nhưng dù vậy, vẫn còn nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng. Tiếp tục hạn chế các thủ  tục không cần thiết, công khai tối đa các thủ tục hành chính, áp dụng 1 cửa điện tử liên thông. Đồng thời cho rằng, nếu cán bộ công chức không tận tụy, tham nhũng thì không có thủ tục hành chính nào hiệu quả được. Nên các cấp phải tăng cường đội ngũ cán hộ công chức có tâm, có tài, nhất là trong các lĩnh vực bức xúc như đất đai, thuế…

Vẫn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt câu hỏi: Những năm gần đây, lạm phát cao, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn, PMU 18, Vinashin, Vinalines. Nếu không chống đựoc tham nhũng, lãng phí thì không thể phát triển ổn định. Chính phủ có giải pháp gì?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng nói mỗi thất thoát trong xã hội, dù một con tàu bị chìm, một máy bay bị sự cố đều liên quan đến Chính phủ, đến các bộ ngành. Chính phủ nhận thức rõ nên đã phân công, phân cấp trong điều hành. Chính phủ cũng đã có chương trình quản lý tốt hơn các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước để phát huy tốt nguồn lực này, chống thất thoát trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn: Từ khi xảy ra vụ Vinashin, tôi và nhiều người đã đề nghị phải tăng cường tính công khai minh bạch về họat động của các Tập đoàn Nhà nước, giống như đơn vị niêm yết chứng khoán, tại sao chưa làm, chỉ đến khi thanh tra mới biết các sai phạm?.

Trả lời, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ đã yêu cầu các Tập đoàn Nhà nước phải công khai minh bạch trong thời gian tới. Việc chậm trễ trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan, chuẩn bị chưa tốt. Tới đây sẽ công khai họat động của Tập đoàn Nhà nước như một công ty lên sàng chứng khoán để giám sát tốt, chống tiêu cực.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng chất vấn, khối nợ xấu hiện nay rất lớn, trong đó có của doanh nghiệp Nhà nước do đầu tư không hiệu quả, tác động như thế nào?

Phó Thủ tưởng giải thích: Một phần nợ xấu hiện nay là của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ, nhưng tỷ lệ không phải cao. Nợ xấu ngân hàng không phải nguyên nhân chính từ nợ cấu của các Tập đoàn Nhà nước.

Bên cạnh vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch cũng chất vấn về bức xúc của các cử tri TPHCM và cả nước hiện nay, đó là phí bảo trì đường bộ sẽ được triển khai từ đầu năm 2013 và cho rằng, thực chất đó là thu phí phương tiện giao thông. Nếu thu phí theo Nghị định 18, mọi đầu xe đều bị thu, kể cả xe đầu kéo cũng thu. Đề nghị Phó Thủ tướng trả lời rõ Quỹ Bảo trì đường bộ có phù hợp pháp lý hay không? Bộ Giao thông - Vận tải giải thích nếu thu phí này, bỏ trạm thu phí, có đúng hay không?.

Đáp lại, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị đinh 18 của Chính phủ là có cơ sở pháp lý, theo Điều 19 Luật Giao thông đường bộ quy định. Đây không phải là loại phí mới mà đã được ban hành trong danh mục theo Pháp lệnh về phí. Hiện phí bảo trì đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí. Phí bảo trì đường bộ chỉ là thay đổi phương thức thu, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đây không phải là thứ thuế đánh vào phương tiện giao thông. Phí này là đúng Luật.

Với phần trả lời này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng tính pháp lý của phí bảo trì đường bộ đã rõ nên không hỏi lại. Nhưng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ xem lại phương thức thu phí phương tiện giao thông để được lòng dân.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) hỏi: năm 2012, nền kinh tế có rơi vào suy giảm hay không, mức độ nào? Kinh tế nước ta đã rơi vào đáy khó khăn chưa? Chính phủ đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, trong đó có chính sách thuế, giải pháp để ngăn ngừa lạm phát quay lại?

Về điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đặt ra gói hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng, cùng với đó lãi suất giảm, từ nay đến cuối năm mỗi tháng sẽ rót vào nền kinh tế 21.000 tỷ đồng vốn Nhà nước, đó là nguồn lực quan trọng để phát triển. Có thể có nguy cơ làm lạm phát quay lại. Nhưng gói chính sách này đều nằm trong kế hoạch, không bất ngờ, là gói hỗ trợ chứ không phải gói kích thích, lại kết hợp với các chính sách tiền tệ, tài khóa.. nên sẽ bảo đảm không để lạm phát quay lại. Chúng ta không coi trọng tăng trưởng mà bỏ qua lạm phát. Chính phủ cam kết không để lạm phát quay lại.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn: Đề án tái cơ cấu kinh tế nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa có cơ sở để thực thi. Tổ chức đề án đã chắc chắn chưa, tại sao đề án có qúa nhiều từ “có thể”, như vậy có nghĩa không chắc chắn thành công. Nếu không thành công, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp thu ý kiến của Quốc hội về những mặt tồn tại của đề án. Tái cơ cấu kinh tế thực chất là sắp xếp nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đề án còn nhiều hạn chế, Quốc hội cũng đã đánh giá. Thông qua kết luận của Quốc hội, Chính phủ sẽ hoàn thiện đề án, nhất là những vấn đề Quốc hội cho là chưa khả thi để sớm tái cơ cấu nền kinh tế.

L.NGUYÊN

>> Một số lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật

Tin cùng chuyên mục