Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo:
(SGGPO). – Sáng 29-10, trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định tăng trưởng kinh tế có chuyển biến tích cực và ước đạt 5,54% trong quý 3, đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14%. GDP quý 4 dự báo sẽ tăng ở mức 6%. Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Tránh tùy tiện tăng giá để ổn định kinh tế
GDP quý 4 dự báo sẽ tăng ở mức 6% do tổng cầu nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn khi tính đến tính chất mùa vụ và tác động của độ trễ chính sách (khoảng 9 tháng) trong những tháng cuối năm. Do vậy, tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (5,3%).
Một số chỉ số kinh tế vĩ mô có dấu hiệu khả quan hơn trong tháng 10 như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát, vốn đầu tư FDI. Chỉ số chứng khoán -chỉ báo sớm của nền kinh tế- cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung dài hạn.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cũng như việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức. Phân tích xu thế tăng trưởng dài hạn cho thấy tăng trưởng đang trong xu thế giảm kể từ năm 2006 đến nay do hiệu quả tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng không còn phù hợp. Mặc dù thành phần tăng trưởng do chu kỳ đã bắt đầu cải thiện từ quý 2-2013 nhưng sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn còn nhiều thách thức do: tăng trưởng còn phụ thuộc vào cầu bên ngoài biến đổi khó lường (xuất khẩu và khu vực FDI), trong khi động lực cho tăng trưởng trong ngắn hạn là nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách bị hạn chế bởi cân đối ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao và cầu nội địa trong nước còn chậm hồi phục. Do đó, cần phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong vòng 2-3 năm tới nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế, cải thiện tốc độ tăng trưởng dài hạn.
Về lạm phát trong quý 4 năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: phân tích yếu tố chu kỳ cho thấy đây là quý có mức tăng cao nhất trong năm, tuy nhiên sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas. Dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6-0,8% nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Lạm phát cả năm 2013 dự báo vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7% nếu như có sự quản lý và điều tiết tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý. Đây sẽ là thành quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong việc duy trì lạm phát ổn định liên tiếp 2 năm giúp ổn định kỳ vọng lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề nghị, chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. Đồng thời, để thúc đẩy tăng trưởng, một mặt cần có giải pháp chung từ tổng vốn đầu tư xã hội ở mức cần thiết (30-32% GDP), mặt khác cần tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế.
Về công tác quản lý giá, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.
Về chính sách tài khóa, trong một hai năm tới, khi tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, vấn đề cân đối ngân sách sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo cân đối ngân sách cho những năm tới, cần rà soát lại các khoản chi thường xuyên không hợp lý, cơ cấu lại chi thường xuyên theo hướng tinh giản bộ máy cơ quan Nhà nước và đoàn thể, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
Để đảm bảo bền vững của ngân sách, an toàn nợ công cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn trong đó cụ thể hóa các mục tiêu dài hạn về thâm hụt ngân sách, kế hoạch vay và trả nợ công, cũng như kế hoạch cơ cấu lại các khoản chi, nhất là chi thường xuyên.
Báo cáo về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung mới 11 điều, bãi bỏ 01 điều, tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung về quản lý nhà nước về công chứng, bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, bổ sung một số quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006, đổi tên dự án này thành Luật Công chứng (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình.
Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, khảo sát và báo cáo của một số cơ quan, tổ chức, địa phương, cơ quan thẩm tra cho rằng, quá trình tổ chức và hoạt động công chứng trong thời gian qua còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần được sớm giải quyết nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ trong dự thảo Luật. Chẳng hạn như xác định loại việc cần phải công chứng; phân định phạm vi nội dung cần công chứng, chứng thực; xử lý hậu quả từ việc Phòng công chứng, Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động; vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng... Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm các nội dung nói trên vào dự thảo Luật.
Trong các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng phạm vi công chứng cả bản dịch giấy tờ là cần thiết, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện chứng thực bản dịch. Tuy nhiên, vì dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung, hình thức của giấy tờ có yêu cầu dịch thuật cũng như các ngôn ngữ cần dịch rất đa dạng, phức tạp, nhất là trong trường hợp dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt nên việc yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được yêu cầu dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên (Điều 13 của Luật cũng không quy định thành thạo ngoại ngữ là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chứng viên). Mặt khác, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ.
Vì vậy, dù có sử dụng hình thức công chứng hay chứng thực thì để nâng cao chất lượng bản dịch, pháp luật cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của những người làm công việc này (ví dụ như quy định về việc sát hạch, kiểm tra trình độ, cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật; công bố và quản lý danh sách dịch thuật viên được công nhận hoặc cấp chứng chỉ hành nghề, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của người dịch khi nội dung dịch thuật có sai sót, không đúng với nội dung văn bản gốc).
Về đội ngũ công chứng viên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này, ví dụ như cơ sở nào để kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng từ 06 tháng lên thành 12 tháng, ngoài việc kéo dài thời gian đào tạo nghề thì còn cần áp dụng các biện pháp nào khác để bảo đảm chất lượng của đội ngũ công chứng viên không; hoặc cơ sở nào để quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi nhất là đối với công chứng viên là viên chức tại các Phòng công chứng hiện nay vì không thống nhất với quy định của Luật viên chức, của Bộ luật lao động...
“Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định người được miễn đào tạo nghề công chứng lại phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng 03 tháng thì mới được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên trong khi một số ngành, nghề khác như luật sư lại không có quy định này; quy định như vậy là thiếu nhất quán, không phù hợp. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật có nêu tỷ lệ công chứng viên có vi phạm phần lớn rơi vào nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Quy rõ trách nhiệm trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đóng góp cho dự thảo, nhiều đại biểu đều cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải có trách nhiệm trong việc thu gom, tiêu hủy các sản phẩm sau khi sử dụng.
Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) nêu quan điểm: dự thảo cần bổ sung quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả nếu sản phẩm cung cấp gây tác hại cho môi trường. Chia sẻ quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng việc quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho UBND các cấp trong việc thu gom, xử lý bao gói chứa thuốc BVTV sau sử dụng, thuốc vô chủ, không rõ nguồn gốc là khó khả thi, gây khó khăn cho ngân sách, bởi cấp xã không có cán bộ chuyên môn. Do vậy, bên cạnh nguồn ngân sách cần bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng một khoản liên quan để từ đó có kinh phí bổ sung cho cấp xã để UBND cấp xã thuê cơ quan chuyên môn tiêu hủy.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, những bao bì chứa đựng thuốc BVTV sau sử dụng có thể lên đến hàng trăm tấn thì sẽ gây khó cho ngân sách địa phương. Nên quy định, gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh cũng như khuyến khích doanh nghiệp thu gom tái chế để sử dụng. “Dự thảo mới quy định kinh phí cấp cho tiêu hủy nhưng chưa có kinh phí cho việc thu gom, cần bổ sung quy định này và gắn trách nhiệm của các công ty sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Tấn nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), với việc ngân sách các địa phương eo hẹp, nhất là những tỉnh có nhiều đất nông nghiệp thì ngân sách sẽ khó lo đủ. Thế nên cần trích một phần từ các khoản thuế, phí doanh nghiệp đã nộp để hỗ trợ địa phương. Ngoài ra, dự thảo cần quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong việc thu hồi bao gói sau sử dụng để tái sử dụng hay sản xuất để cho họ thấy trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và trách nhiệm kinh doanh với cộng đồng.
H.YÊN-A.PHƯƠNG-N.QUANG