Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí : Thoáng và nghiêm

Lấp khoảng trống thông tin
Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí : Thoáng và nghiêm

Tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động báo chí phát triển, hướng đến mục đích cuối cùng là góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, UBND TPHCM ban hành Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (có hiệu lực từ ngày 3-9-2013) trên cơ sở quy chế của Chính phủ ban hành. Quy chế mới với nhiều điểm mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp.

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện diễn ra ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện diễn ra ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lấp khoảng trống thông tin

Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan nhà nước đã bỏ trống “trận địa” thông tin. Hay khi xảy ra vụ việc gì gây ảnh hưởng đến đông đảo người dân hoặc được xã hội quan tâm nhưng các cơ quan này chưa chủ động thông tin kịp thời, thậm chí cố tình tránh né khi báo chí liên hệ. Dẫn chứng rõ nét nhất là vụ lương “khủng” vừa qua tại các công ty dịch vụ công ích ở TPHCM. Sau khi có kết luận của UBND TPHCM về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng lao động, chi trả lương tại các đơn vị này, phóng viên của hàng chục cơ quan báo đài Trung ương và TPHCM đến liên hệ các cơ quan quản lý như Sở GTVT, Sở LĐTB-XH cũng như các đơn vị trực tiếp sai phạm để làm rõ thông tin, nhưng tất cả đều tránh né. Theo ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, quy chế mới sẽ khắc phụ được những hạn chế này.

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết điểm mới quan trọng là quy định rõ và mở rộng đối tượng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Qua đó, có đến 3 người có thể phát ngôn. Quy chế mới cũng bổ sung thêm quy định công bố họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn gửi cho Sở TT-TT, các cơ quan báo chí hoặc phải đăng tải trên cổng thông tin điện tử hay trang tin điện tử của cơ quan mình. Thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin cũng được rút ngắn. Đối với phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ thì ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí (quy chế cũ là 6 tháng 1 lần). Trong trường hợp đột xuất, bất thường, trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày, kể từ khi xảy ra vụ việc (quy chế cũ quy định là 2 ngày). Để làm rõ hơn những nội dung cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ TT-TT, khẳng định rõ: Các cơ quan hành chính nhà nước phải giới thiệu cả những điều làm được và chưa làm được cho báo chí để cung cấp thông tin cho xã hội.

Xử lý nghiêm nếu thông tin sai sự thật

Ngoài ra, một trong những điểm cải tiến là tại điều 8 của quy chế mới quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Qua trao đổi, bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) thông tin: Việc xử lý kỷ luật công chức được thực hiện theo Luật Công chức và Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ. Theo đó, một số hành vi liên quan đến vấn đề phát ngôn có thể bị xử lý kỷ luật như: Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi... Đối với việc xử lý hành chính sẽ được thực hiện theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cụ thể, theo điểm a khoản 4 điều 7 thì áp dụng hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn khoản 1 điều 8 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, công dân; không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí... Việc xác định tính chất, mức độ vi phạm và biện pháp xử lý đã được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật nói trên.

“Những điểm thoáng hơn trong Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà báo khi tác nghiệp. Thế nhưng, các nhà báo cũng cần đặc biệt cẩn trọng, bởi nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc”, bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh.

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục