Quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bán hàng khuyết tật -DN “gánh” trách nhiệm!

Sau bài viết đăng trên Báo SGGP ngày 30-1 về trách nhiệm bảo hành sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng của doanh nghiệp (DN), rất nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng bán hàng điện máy Trung Quốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, rao hàng khuyến mãi giá rẻ nhưng lại chỉ bán ra vài sản phẩm… Thông qua bài viết này, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc các quy định của pháp luật xử lý những hành vi này.
Quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bán hàng khuyết tật -DN “gánh” trách nhiệm!

Sau bài viết đăng trên Báo SGGP ngày 30-1 về trách nhiệm bảo hành sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng của doanh nghiệp (DN), rất nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng bán hàng điện máy Trung Quốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, rao hàng khuyến mãi giá rẻ nhưng lại chỉ bán ra vài sản phẩm… Thông qua bài viết này, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc các quy định của pháp luật xử lý những hành vi này.

Khách hàng chở máy tính về nhà sau khi sửa chữa bảo hành tại một Trạm bảo hành Phong Vũ. Ảnh: THANH TÂM

Khách hàng chở máy tính về nhà sau khi sửa chữa bảo hành tại một Trạm bảo hành Phong Vũ. Ảnh: THANH TÂM

Không biết hàng bị khuyết tật, DN vẫn bồi thường

Lâu nay, khách hàng thường lo lắng việc các DN tự nhập hàng mang các thương hiệu lạ từ Trung Quốc về bán với giá rẻ. Những mặt hàng này thường là hàng gia dụng như nồi cơm điện, bàn ủi… nếu hàng không đảm bảo chất lượng dẫn đến cháy nổ hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì không biết kiện ai. Từ nay, có lẽ nỗi lo lắng này sẽ được giải quyết ở góc độ pháp luật khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về DN.

Cụ thể, Điều 23 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Kể cả trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa không biết, thậm chí không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật vẫn phải bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra (chỉ khi nào tổ chức, cá nhân đó chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm cung cấp cho người tiêu dùng thì được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Theo đó, tổ chức, cá nhân phải bồi thường không chỉ là đơn vị sản xuất mà cả tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa (bán hàng) có khuyết tật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngay cả khi không có lỗi, thậm chí không biết đó là hàng khuyết tật, luật vẫn quy định DN phải bồi thường, như vậy, người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của DN như trong các quan hệ dân sự khác. Nhưng lâu nay, vấn đề khiến người dân lo lắng khi kiện tụng với các DN là không đủ sức lực, tiền bạc để giám định, chứng minh hàng hóa đó là hàng khuyết tật thì Điều 42 quy định người tiêu dùng chỉ có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm chứng minh là của nhà kinh doanh khi quy định nhà kinh doanh phải chứng minh mình không có lỗi.

Phải cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa

Khách hàng có bất kỳ phản ánh các DN vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về chất lượng hàng hóa, trách nhiệm bảo hành hoặc những hợp đồng mẫu của các DN gây thiệt hại cho khách hàng… có thể phản ánh đến Báo SGGP qua địa chỉ: hanni@sggp.org.vn hoặc điện thoại: 08.39294072 – 0903.975323.

Hoạt động quảng cáo, khuyến mãi không rõ ràng, minh bạch của các DN bán hàng lâu nay đang là nỗi bức xúc của người tiêu dùng. Nhất là trường hợp DN thông báo bán hàng giá rẻ (ví dụ điện thoại di động giá 500.000 đồng rao bán với giá 55.000 đồng), để cuối cùng người dân xếp hàng chờ đợi, đến giờ mua mới biết DN chỉ bán có… 2 chiếc giá rẻ! Nay kiểu kinh doanh này sẽ rơi vào các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi cấm đó là, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch… Như vậy, nếu DN không nói rõ thời gian, số lượng hàng bán giảm giá để người dân nhầm tưởng hàng đương nhiên được bán trong khoảng thời gian DN công bố và số lượng không xác định, có nghĩa là số lượng được bán đến hết thời gian quy định. Ví dụ, công bố bán giảm giá từ 10 giờ đến 11 giờ mà chỉ bán có 2 chiếc điện thoại giảm giá như kể trên là vi phạm pháp luật.

Với những “chuyện nhỏ” như thế mà DN cố tình vi phạm, trước đây khách hàng không thể kiện đòi bồi thường thiệt hại, nhưng với quy định hiện nay, khách hàng có thể phản ánh các vi phạm này với UBND các quận, huyện hoặc Sở Công thương để được xử lý. Trường hợp DN vi phạm 2 lần trở lên sẽ bị công bố thông tin vi phạm trên trang thông tin điện tử của Sở Công thương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng biết.

HÀN NI

>> Quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Được cấp hàng sử dụng khi bảo hành

Tin cùng chuyên mục