Quy định pháp luật về game online

Việc quản lý game online (trò chơi trực tuyến) đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của việc xử lý có liên quan đến công nghệ, trong khi các cơ quan có thẩm quyền không có đủ nguồn nhân lực và kỹ thuật để kiểm soát và kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Việc quản lý game online (trò chơi trực tuyến) đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của việc xử lý có liên quan đến công nghệ, trong khi các cơ quan có thẩm quyền không có đủ nguồn nhân lực và kỹ thuật để kiểm soát và kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngày 1-6-2006, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT/BVHTT-BBCVT-BCA về quản lý trò chơi trực tuyến. Theo đó, các doanh nghiệp muốn phát hành game, ngoài việc đăng ký kinh doanh hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nghiệp vụ, kỹ thuật thì nội dung game muốn phát hành phải được Bộ Văn hóa - Thông tin đồng ý.

Thông tư 60/2006 cấm các loại game online có nội dung kích động bạo lực, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác... Doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, cung cấp trò chơi trực tuyến, đại lý Internet, người sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến vi phạm các quy định về quản lý trò chơi trực tuyến tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Tiếp sau đó, vào năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet để tăng cường xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Năm 2010, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM có văn bản gửi 14 doanh nghiệp đang cung cấp 65 trò chơi trực tuyến trên địa bàn TPHCM đề nghị liệt kê các hành vi mang tính đối kháng và tự phân loại mức độ bạo lực của từng hành vi trong các trò chơi doanh nghiệp cung cấp. Mức độ bạo lực trong game được đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí: Vũ khí sử dụng và hoạt động đâm chém bắn giết đơn lẻ hay có tổ chức trong trò chơi; đối tượng bị bắn giết; góc độ nhập vai của người chơi.

Qua đó, tình trạng phát hành game online mang nội dung bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên, game có nội dung bạo lực, đồi trụy vẫn tràn lan, có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang mạng, các tiệm chơi game. Rõ ràng, pháp luật có quy định nhưng khả năng vận dụng trên thực tế là không cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do các loại game online đa phần nhập từ nước ngoài, thậm chí một số game còn nhập lậu, nhà nước rất khó quản lý. Mặt khác, vì là loại game trực tuyến nên người dùng có thể dễ dàng tiếp cận. Việc tham gia các trò chơi này không hề có giới hạn, chỉ cần có một tài khoản game, một chiếc máy tính đủ mạnh và được kết nối Internet là đã có thể tham gia chơi.

Gần đây nhất, ngày 15-7-2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, chính thức có hiệu lực vào ngày 1-9-2013, bãi bỏ Thông tư 60/2006. Theo đó, Chính phủ sẽ lại cấp phép việc phát hành game online tại Việt Nam kèm theo những quy định rất cụ thể về nội dung và kịch bản của game được cấp phép. Nghị định cũng đưa ra những quy định chặt chẽ, hạn chế những tiêu cực nảy sinh của game tới đời sống xã hội.

Theo đó, game online sẽ được phân loại theo phương thức cung cấp dịch vụ và phân loại theo độ tuổi người chơi. Nội dung của game online phải đảm bảo các điều kiện: Không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử. Không có hình ảnh, âm thanh miêu tả hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố; hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác. Không tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phans)

Tin cùng chuyên mục