2 năm gần đây, một số thương hiệu đã đẩy mạnh việc nhân rộng hệ thống, bắt đầu bùng nổ phương thức nhượng quyền thương mại (NQTM). Bạn đọc đề nghị Báo SGGP thông tin về các quy định liên quan đến NQTM theo quy định của pháp luật Việt Nam.
NQTM là hình thức thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 và Nghị định 15/VBHN-BCT ngày 25-4-2014 quy định chi tiết về hoạt động NQTM. Theo đó, NQTM là hoạt động thương mại mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để thực hiện được hình thức NQTM theo quy định, bên nhượng quyền cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm; đã đăng ký hoạt động NQTM với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Ngoài ra, bên NQTM có trách nhiệm phải cung cấp bản sao hợp đồng NQTM mẫu và bản giới thiệu về NQTM của mình cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng NQTM nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về NQTM do Bộ Thương mại quy định và công bố.
Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, bên NQTM nếu là nhượng quyền trong nước hoặc nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài thì không cần phải qua thủ tục đăng ký. Những trường hợp còn lại, bên NQTM phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm: Đơn đề nghị đăng ký hoạt động NQTM theo mẫu do Bộ Công thương hướng dẫn; bản giới thiệu về NQTM theo mẫu do Bộ Công thương quy định; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận đã được hợp pháp hóa lãnh sự; văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hồ sơ được nộp cho Bộ Công thương và sẽ được giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc.
Như vậy, so với trước kia, việc đăng ký đã thông thoáng hơn rất nhiều, cụ thể là chỉ có các đối tượng nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam mới phải thực hiện việc đăng ký trong khi đó các đối tượng nhượng quyền thương mại là nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài thì chỉ phải phải thực hiện chế độ báo cáo với Sở Công thương. Quy định này đã tạo điều kiện cho các thương nhân Việt Nam dễ dàng tiếp cận và đưa thương hiệu của Việt Nam mở rộng không chỉ trong nước mà còn đến với thị trường quốc tế hơn.
Về phía bên được nhận quyền thương mại, điều kiện để bên nhận quyền được phép thực hiện hoạt động NQTM là bên nhận quyền phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Tóm lại, để thực hiện hoạt động NQTM hiệu quả không phải là vấn đề đơn giản. Các bên nhượng quyền và bên nhận quyền cần phải am hiểu quy trình của hoạt động NQTM từ việc lựa chọn đối tác phù hợp (bao gồm việc xem xét tiềm năng của các bên cũng như rà soát điều kiện của các bên có đáp ứng theo quy định của pháp luật không), nắm rõ quy định về yêu cầu của việc đăng ký hoạt động NQTM tại Bộ Công thương đến việc soạn thảo Hợp đồng NQTM nhằm hạn chế rủi ro cho các bên. Có như vậy mô hình NQTM mới thực sự hiệu quả và đem lại lợi ích kinh tế cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)