Quy định pháp luật xử lý hành vi mua bán người

Lợi dụng mong muốn của người dân được đi xuất khẩu lao động để cải thiện thu nhập, một số cá nhân, tổ chức trong nước đã cấu kết với các cá nhân, tổ chức nước ngoài lập ra những đường dây mua bán người dưới hình thức xuất khẩu lao động nhằm mục đích thu lợi. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào đối với hành vi này? 

Hành vi mua bán người hiểu một cách đơn giản là việc các tổ chức, cá nhân xem con người như một hàng hóa để thực hiện việc mua bán nhằm mục đích thu tiền, hoặc bóc lột nhằm tái sinh lợi nhuận. Theo khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người của Bộ luật Hình sự, thì tình tiết định tội được quy định là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: chuyển giao người để nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; tiếp nhận người để giao tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người nhằm các mục đích nêu trên.

Người nào thực hiện một hoặc một số hành vi nêu trên sẽ bị truy tố tội mua bán người; tùy vào hành vi, mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử phạt từ 5 đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu tài sản.

Tin cùng chuyên mục