Ngành xây dựng năm 2006

Quy hoạch, chất lượng xây dựng - những nỗi lo cũ

Quy hoạch, chất lượng xây dựng - những nỗi lo cũ

Giữ vững được nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành, diện tích nhà ở phát triển thêm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, hoàn thiện nhiều văn bản pháp lý làm cơ sở cho Luật Xây dựng đi vào cuộc sống..., đó là những ưu điểm căn bản trong năm 2005 của ngành xây dựng. Tuy nhiên...

  • Phát triển nhà ở: tăng mạnh, cơ cấu bất hợp lý
Quy hoạch, chất lượng xây dựng - những nỗi lo cũ ảnh 1

Khu đất quy hoạch xây dựng nhà trẻ đã bị bỏ hoang giữa khu đô thị mới Đồng Diều (quận 8 TPHCM) suốt mấy năm nay. Ảnh: M.Th.

Công tác phát triển nhà, phát triển đô thị trong năm qua được đánh giá là đạt kết quả cao với 25 triệu m2 nhà ở đô thị được đưa vào sử dụng, góp phần đưa mức bình quân trong 5 năm (2001 – 2005), mỗi năm đưa vào sử dụng 20 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhờ vậy, điều kiện ở của một bộ phận dân cư đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở trong năm 2005 vẫn chưa giải quyết được các khu nhà ở cũ nát, thậm chí là nguy hiểm tại các đô thị, chưa chăm lo được cho công nhân các khu công nghiệp, các đối tượng xã hội. Sự bất hợp lý trong cơ cấu phát triển nhà có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của ngành xây dựng.

  • Thiếu quy hoạch, quy hoạch chất lượng thấp

Ai cũng biết rằng đất đai và xây dựng là hai lĩnh vực có sự gắn bó hữu cơ. Trong năm 2005, tỷ lệ lập quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh - thành trên địa bàn toàn quốc không đạt được yêu cầu của Chính phủ; tỷ lệ “phủ” quy hoạch xây dựng cũng rất thấp. Nhiều tỉnh mới chỉ “phủ” được dưới 30% quy hoạch xây dựng chi tiết, trong khi đây lại là công cụ chủ yếu để quản lý xây dựng theo quy hoạch. Một số tỉnh chỉ đạt dưới 3% số đơn vị hành chính cấp xã có quy hoạch xây dựng như Tây Ninh, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Hòa Bình, Lạng Sơn...

Không riêng nhà ở, tình trạng xây dựng tự phát các khu công nghiệp và các công trình phát triển đô thị khác cũng đã được Bộ Xây dựng cảnh báo đối với một số địa phương như Trà Vinh, Bến Tre, Bình Thuận, Hưng Yên, Lạng Sơn..., nhất là dọc theo các trục lộ giao thông chính.

Số lượng là vậy, chất lượng quy hoạch cũng còn nhiều điều rất đáng bàn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tỷ lệ vốn dành cho quy hoạch xây dựng mới chỉ đạt 0,005% so với tổng vốn đầu tư; còn cán bộ làm công tác này ở các địa phương thì “vừa thiếu, vừa yếu lại vừa phải kiêm nhiệm nhiều việc”. Vì vậy, tình trạng “quy hoạch treo”, quy hoạch bất hợp lý, gây nên những bức xúc trong xã hội là điều dễ hiểu.

  • Chất lượng xây dựng:chưa hết lo!

Một điểm khá thuận lợi trong công tác quản lý xây dựng trong năm 2005 là các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đã có hiệu lực. Các công trình xây dựng trọng điểm (phần lớn là dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ vài trăm tới hàng ngàn tỷ đồng) chiếm khoảng 60% -70% tổng mức đầu tư xây dựng của cả nước, nhìn chung đều đảm bảo chất lượng. Các công trình của các địa phương cũng có chuyển biến tốt, 92% – 94% đạt loại khá; chỉ có 18 công trình có “sự cố”, giảm nhiều so với năm 2004 (24 công trình).

Tuy thế, dư luận năm qua vẫn bức xúc về việc nhiều chung cư phục vụ tái định cư chưa đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhiều người dân. Các hành vi tham ô vật tư, rút ruột công trình; thiếu trách nhiệm trong khâu khảo sát và thi công; kéo dài thời gian thi công; lỏng lẻo trong việc quản lý đầu tư xây dựng… vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Gần đây, đã xảy ra một số sự cố lớn do vi phạm chất lượng bắt nguồn từ biện pháp thi công như sập dàn giáo khi đang thi công mái bê tông (ở Nhà máy nước Đà Nẵng), sập 6 nhà dân do đơn vị thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn khi đào móng xây dựng một hội trường tại quận Bình Thạnh, TPHCM…

  • Năm 2006: chú trọng chất lượng

Theo các chuyên gia kinh tế trong ngành, tăng giá trị sản xuất 13%-15% - mục tiêu mà ngành xây dựng đề ra cho năm 2006 – là hiện thực. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chất lượng phát triển. Bên cạnh việc bổ sung các công cụ pháp lý cần thiết, công tác tổ chức thực hiện trong toàn ngành xây dựng cần được giám sát chặt chẽ và có sự điều chỉnh thích hợp, kịp thời; trong đó, nâng cao trình độ cho đội ngũ thực thi ở cấp xã, phường được coi là một giải pháp chủ chốt.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục