Quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục đại học sẽ bài bản hơn

Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Dự kiến, chuẩn này khi ra đời sẽ tác động lớn đến các trường. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn về dự thảo thông tư.

- PHÓNG VIÊN: Thứ trưởng có thể nói khái quát về quy định chuẩn cơ sở GDĐH lần này?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng HOÀNG MINH SƠN: Bộ GD-ĐT đã nhận được hàng trăm ý kiến từ các trường đại học góp ý cho dự thảo xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH. Đây là một trong những dự thảo thông tư rất khó, nhận được ý kiến nhiều nhất. Dự thảo xây dựng từ năm 2021 - lâu nhất trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tôi từng tham gia - cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các trường.

Theo đó, sẽ có 6 tiêu chuẩn gồm: tổ chức và quản trị (4 tiêu chí); giảng viên (4 tiêu chí); điều kiện học tập (5 tiêu chí); tài chính (4 tiêu chí); tuyển sinh và đào tạo (5 tiêu chí); nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (2 tiêu chí). Quan điểm của Bộ GD-ĐT là các tiêu chí phải đơn giản, dễ tính toán nhưng phải phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ yêu cầu thiết yếu của một cơ sở GDĐH, dễ dàng lượng hóa được. Ngưỡng đạt chuẩn được bộ đưa ra dựa trên số liệu khảo sát của 142 cơ sở GDĐH, 24 cơ sở GDĐH tư thục và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

- Vậy chuẩn mới này khác gì với chuẩn kiểm định chất lượng hiện đang áp dụng với các cơ sở GDĐH?

Chuẩn cơ sở GDĐH chỉ là các thông số hoạt động thường xuyên và nếu bất thường thì nhìn ra ngay; còn đánh giá kiểm định thì cần chuyên gia đánh giá chi tiết, đi vào nguyên lý, mục tiêu riêng của từng trường. Chuẩn cơ sở GDĐH là yêu cầu bất cứ trường nào cũng phải đạt, còn kiểm định thì có trường đưa mục tiêu cao hơn, sứ mạng cao hơn và họ phải cố gắng để đạt được mục tiêu, sứ mạng đó. Xét chuẩn cơ sở GDĐH là hoạt động thường xuyên, liên tục, bằng các số liệu định lượng để cơ quan quản lý nhà nước, người học, xã hội có thể giám sát và có hành động ngay lập tức; còn kiểm định thực hiện 5 năm một lần, thực hiện rất kỹ, sau đó đưa ra giải pháp và thực hiện.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học đang thực hành tại phòng thí nghiệm

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học đang thực hành tại phòng thí nghiệm

Ví dụ, trường có 100.000 sinh viên thì có quy định chuẩn tương ứng về quỹ đất, diện tích sàn xây dựng, đội ngũ giảng viên, học liệu… Muốn di dời trường đại học thì phải có quy hoạch, muốn quy hoạch phải dựa trên chuẩn này. Nếu không có chuẩn thì không thể tính toán được để bố trí nguồn lực.

- Tới đây, khi không đạt chuẩn cơ sở GDĐH, các trường có phải chịu chế tài không, thưa Thứ trưởng?

Mục tiêu là chúng ta có bộ chỉ số với các ngưỡng khả thi. Nhưng nếu tất cả cùng đạt thì không cần chuẩn, chuẩn phải có bước nào đó để nâng lên. Với các trường nhóm trên đã đạt được thì có thể là cơ sở để họ nâng chuẩn cao lên, không phải chỉ đạt mức tối thiểu. Còn với trường không đạt thì phải phân tích theo từng khía cạnh, nguyên nhân gì. Đương nhiên sẽ có chế tài, nhưng không quy định ngay trong thông tư.

Khi quy hoạch, sắp xếp các trường đại học, chúng ta thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể cơ sở GDĐH hoạt động không hiệu quả. Thế nào là không hiệu quả thì chính trong chuẩn này sẽ thể hiện.

"Bộ GD-ĐT đưa ra chuẩn không phải để xử phạt mà quan trọng là các trường nhìn vào để phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học; người học nhìn vào phải biết sức khỏe của trường thế nào. Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh. Đây là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường học và toàn hệ thống"

- Không ít trường đại học lo rằng khi thực hiện chuẩn mà chưa đạt sẽ bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh, thưa ông?

Mỗi cơ sở GDĐH đang nhìn các tiêu chuẩn, tiêu chí từ cơ sở mình, tuy nhiên cần có góc nhìn rộng hơn cho cả hệ thống GDĐH: Làm sao để quy hoạch, sắp xếp hệ thống tốt hơn, trật tự, bài bản, khang trang hơn. Để làm được phải đưa ra chuẩn tối thiểu để hệ thống cố gắng, cùng sự vào cuộc của các bên liên quan: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư…

Dự kiến tháng 6-2025, bộ đưa ra thực hiện chuẩn lần đầu tiên. Chuẩn cơ sở GDĐH ra đời sẽ tác động rất lớn đến các trường. Tỷ lệ khác nhau ở mỗi trường về từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ dẫn đến những tác động khác nhau. Ban soạn thảo sẽ xem xét tiếp thu để đưa vào hệ số cho phù hợp, đảm bảo tính khả để thực hiện mục tiêu quy hoạch hệ thống và nâng cao chất lượng GDĐH.

Tin cùng chuyên mục