UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị về việc rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy lợi chống ngập úng. Cụ thể, Sở NN-PTNT được giao tổ chức lựa chọn, thuê một đơn vị tư vấn chuyên ngành, có đủ năng lực, kinh nghiệm và đủ tư cách pháp nhân theo quy định để nghiên cứu, rà soát toàn bộ quy hoạch thủy lợi chống ngập úng. Từ đó, đề xuất bổ sung - điều chỉnh để hoàn chỉnh quy hoạch, các giải pháp công trình và phi công trình đảm bảo kết nối đồng bộ với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước, nhằm khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cả hiện tại và trong tương lai.
Hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng sau khi cải tạo. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tự nhiên và hạ tầng đều thay đổi
Cho đến thời điểm hiện tại, hai quy hoạch chống ngập quan trọng nhất của thành phố gồm Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008, gọi tắt là Quy hoạch 1547) và Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (được Thủ tướng phê duyệt năm 2001, gọi tắt là Quy hoạch 752). Tháng 6-2016, thành phố đã triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng theo Quy hoạch 1547. Riêng Quy hoạch 752, vừa qua, Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập nước đã có báo cáo cho hay, có 3 nguyên nhân chính khiến các dữ liệu đầu vào để tính toán Quy hoạch 752 không còn phù hợp.
Thứ nhất là do mưa. Theo Quy hoạch 752, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (cống cấp 3), tương ứng với mực nước triều 1,32m. Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm (1962 - 2001), trên địa bàn thành phố xuất hiện 9 trận mưa trong 3 giờ, đạt vũ lượng trên 100mm, như vậy trung bình 4 năm mới xuất hiện 1 lần. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 3 lần/năm), đặc biệt, trong 2 năm 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100 - 122mm. Qua đó cho thấy mưa đã tăng cả tần suất và vũ lượng.
Thứ hai là do triều. Thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông. Với điều kiện địa hình thấp (gần 63% diện tích có cao độ tự nhiên <1,5m), việc xâm nhập triều từ sông Sài Gòn qua hướng sông Lòng Tàu, Soài Rạp và từ sông Vàm Cỏ qua hướng sông Vàm Cỏ Đông, thành phố sẽ bị ngập những vị trí có cao trình thấp hơn đỉnh triều nếu không có biện pháp bảo vệ. Trong 27 năm (từ 1980 - 2007) đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An luôn ở dưới mức 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của BĐKH, đỉnh triều đã vượt trên mức 1,5m. Đồng thời tần suất xuất hiện đỉnh triều ngày càng gia tăng: nếu như từ năm 2006 - 2010 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên 1,5m chỉ có 15 lần, thì trong từ năm 2011- 2015 đã có tới 79 lần, đặc biệt có những lúc đỉnh triều đã chạm mức 1,68m.
Thứ ba, hạ tầng thoát nước không đáp ứng được gia tăng dân số. Quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn trước năm 1975 với quy mô dân số khoảng 2 triệu người nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với quy mô dân này. Cho đến thời điểm hiện tại, dân số của thành phố đã hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai (tăng hơn 5 lần so với trước), dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên gấp hơn 5 lần. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời, nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.
Còn theo báo cáo của Công ty thoát nước đô thị, thành phố có hơn 3.000 tuyến sông, kênh rạch với chiều dài hơn 5.000km. Hầu hết các tuyến sông, kênh rạch bị bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả… làm giảm khả năng thoát nước, gây ngập lụt nội bộ khu vực. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố có hạn nên mới chỉ nạo vét được khoảng 80km (chỉ 1,6% tổng chiều dài hệ thống các sông, kênh rạch). Công ty thoát nước được giao quản lý 110 tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước. Tuy nhiên, qua công tác tuần tra phát hiện phân nửa số này đã bị san lấp, lấn chiếm thu hẹp dòng chảy.
Giải pháp công trình và phi công trình kết hợp
Nhận định về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015, Thành ủy TPHCM cho rằng việc xử lý xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch, hệ thống thoát nước chưa kiên quyết, thiếu triệt để, một số dự án lấp mạch thoát nước tự nhiên nhưng thay bằng hệ thống cống thoát nước không đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đô thị, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường ở một đô thị đặc biệt. Việc quản lý hệ thống thoát nước mặc dù đã được phân cấp nhưng còn bất cập trong điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp và điều tiết cho lưu vực, vùng trên địa bàn thành phố.
Do vậy, Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 phải điều chỉnh quy hoạch thoát nước, nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố, đảm bảo tính bền vững, thích ứng với BĐKH. Song song đó cũng sẽ kiến nghị Trung ương điều chỉnh những tiêu chuẩn kỹ thuật trong tính toán thủy văn, thủy lực đối với hệ thống thoát nước áp dụng cho địa bàn thành phố, ứng phó hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng.
Được biết, hiện tại Sở GTVT TP đang lấy ý kiến các sở ngành, đơn vị để rà soát Quy hoạch 752, xây dựng đề cương đồ án điều chỉnh quy hoạch thoát nước để báo cáo UBND TPHCM xem xét.
Về giải pháp công trình, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đối với hệ thống thoát nước. Giai đoạn 2016 - 2018 sẽ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường (3 tuyến ở lưu vực trung tâm và 5 tuyến lưu vực ngoại vi). Đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm. Giai đoạn 2019 - 2020, nỗ lực hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa 5/17 tuyến đường (2 tuyến lưu vực trung tâm và 3 tuyến lưu vực ngoại vi). Đồng thời, thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 119/179 tuyến hẻm còn lại. |
KHÁNH LÊ