(SGGPO).- Sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống thiên tai.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc Luật có nên điều chỉnh vấn đề tái thiết sau thiên tai hay không.
“Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, “tái thiết sau thiên tai” cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng, việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định của pháp luật khác. Luật chỉ nên điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương”, ông Dũng nêu quan điểm.
Thảo luận sau đó, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình không điều chỉnh về vấn đề “tái thiết” trong Luật Phòng, chống thiên tai.
Về nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng chỉ quy định Quỹ Phòng, chống thiên tai. Quỹ này không bao gồm ngân sách Nhà nước và chỉ được thành lập ở cấp tỉnh. Dự thảo cũng quy định nguồn tài chính, cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ và giao Chính phủ quy định việc thành lập; đối tượng đóng góp, mức đóng góp; đối tượng được miễn, giảm đóng góp; việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán.
Đáng lưu ý, trong khi Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất cao với Ban soạn thảo về tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ thì hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng tên gọi “Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai” mới thể hiện đúng quan điểm, phương châm ứng xử đúng đắn đối với thiên tai. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại cho rằng tên "Luật Phòng, chống thiên tai” thể hiện thái độ ứng phó tích cực và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Về nguồn tài chính cho công tác này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, nhiều quy định trong dự thảo luật này “vừa thiếu, vừa thừa, vừa có độ vênh so với pháp luật về tài chính”. Ông Hiển nói thêm: “Tuy nhiên, Luật nên có quy định điều phối nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội sao cho đảm bảo tính công bằng, hiệu quả vì hiện nay vẫn có tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn đến chỗ được hỗ trợ nhiều lần, chỗ lại không”.
Tán thành ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, nguồn hình thành quỹ như quy định trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng. “Nghĩa vụ tài chính bắt buộc phải coi là thuế hay phí? Mà nếu vậy thì giao cho Chính phủ là không đúng”, ông Lý phản biện.
Về các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lực lượng tại chỗ mới là lực lượng phòng chống thiên tai hiệu quả nhất và phải được coi là lực lượng chủ chốt. Lực lượng vũ trang có vai trò quan trọng, nhưng nên coi là một trong những lực lượng nòng cốt, có vai trò hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp, khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng trên diện rộng. “Quy định lực lượng vũ trang là lực lượng chủ chốt có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại vào lực lượng này, không quyết liệt thực hiện “4 tại chỗ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn giải thích.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh và đề nghị luật hóa vai trò của lực lượng Chữ Thập Đỏ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng phải được quy định trong luật này, “họ có nhân lực, vật lực và nguồn lực tài chính, bắt buộc phải tham gia phòng chống thiên tai, thể hiện trách nhiệm với xã hội”.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, “có một việc vẫn đang làm tích cực lâu nay cần phải luật hóa. Đó là rà soát, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ cao. Hết sức tránh việc xảy ra thiên tai rồi mới đi thăm viếng, hỗ trợ”.
ANH PHƯƠNG