Quy tắc người phát ngôn

Chuyện kể tại một buổi hội thảo bàn về vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Khi đại diện một trong các phòng chuyên môn của sở lên phát biểu chỉ đạo ở cuối hội thảo, rất nhiều ánh mắt giáo viên đã đổ dồn về hướng vị này, nhưng không phải để chăm chú lắng nghe những lời cô nói mà để ái ngại cho vết rách khá lớn nằm ngay tay áo phía bên trái của cô. Từ lúc cô rời hàng ghế đại biểu bước lên bục phát biểu đến khi bài phát biểu kết thúc, cô trở về vị trí chỗ ngồi vẫn tuyệt nhiên không có một ai nói với cô về vết rách trên tay áo. Mãi đến khi kết thúc hội thảo, khi các đại biểu bắt tay ra về thì một thành viên của đơn vị tài trợ mới nói cho cô biết về sự có mặt của “vị khách không mời” kia. Nhưng tất cả đã quá muộn, rất đông giáo viên tham dự hội thảo hôm đó và toàn bộ cánh phóng viên (do ngồi ở vị trí thuận tiện) đã nhìn thấy vết rách. Ai cũng hiểu đây là sự cố ngoài ý muốn, và rất may là hình ảnh xấu xí hôm đó không lọt vào ống kính truyền hình nhưng sự việc cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh tôn nghiêm, lịch sự của cô giáo.

Một câu chuyện khác, tại buổi tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức dành cho đối tượng là trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện đến từ 17 tỉnh, thành khu vực phía Nam, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đặt câu hỏi chất vấn: “Vì sao ở bậc tiểu học, học sinh của ta rất hăng hái giơ tay phát biểu nhưng càng lên các bậc học cao hơn, học sinh càng lười phát biểu, khi trở thành giáo viên càng ngại nói hơn?”. Bằng chứng là ở rất nhiều buổi hội thảo, hội nghị chuyên môn, người viết đã chứng kiến hình ảnh các giáo viên đùn đẩy, ngại giơ tay phát biểu mỗi khi được yêu cầu đóng góp ý kiến. Nhưng chỉ ngay sau khi sự kiện kết thúc, cũng chính những giáo viên này lại bàn luận rôm rả về các vấn đề đặt ra trong hội thảo. Điều quan trọng là họ đã không dám nói khi ngồi trong khán phòng hội nghị mà chọn cách “ra ngoài nói cho sướng miệng, đỡ thấy bức bối tâm lý” như chính thừa nhận của một giáo viên.

Đến đây câu hỏi được đặt ra vì sao trong khi chúng ta đang kêu gọi, vận động tinh thần hăng hái giơ tay phát biểu của học sinh, nhưng ngay chính trong một bộ phận giáo viên lại không thực hiện tốt điều đó? Xin thưa, nguyên nhân có trăm ngàn cách “bào chữa” cho hành động trên, như quy tắc người phát ngôn chỉ dành cho người đứng đầu quản lý (thường là hiệu trưởng) của đơn vị, các giáo viên dù rất muốn bày tỏ ý kiến từ thực tế giảng dạy của mình nhưng hiệu trưởng chưa thông qua thì không dám nói. Hay lo xa hơn, vì nghĩ cho cái “được - mất” của danh tiếng đơn vị và của chính bản thân giáo viên đó, sau khi phát ngôn nếu được nhiều đồng nghiệp đồng tình thì tiếng nói trở nên có trọng lượng, nhưng nếu chẳng may đóng góp không rơi vào ý kiến số đông hoặc đi ngược lại quan điểm của lãnh đạo sẽ bị cho là “lạc lõng”, trường hợp xấu có thể bị khép vào danh sách “đen” của cơ quan quản lý. Từ những lo lắng đó, có thể nói chưa bao giờ “quy tắc người phát ngôn” được các đơn vị sử dụng nhiều đến thế, và cũng chưa bao giờ phần đóng góp ý kiến của giáo viên trở thành phần quan trọng nhưng hiếm khi nhận được sự tham gia nhiệt tình của giáo viên.

Hai câu chuyện có cùng chung bản chất. Vấn đề là làm sao khắc phục được tình trạng rụt rè, bàng quan của giáo viên mỗi khi được yêu cầu tham gia “hiến kế” cho ngành giáo dục. Tuy biết là không thể cải thiện trong một sớm một chiều nhưng nếu không sớm được cảnh báo, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ khó có cơ hội bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục