Quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội - Cơ hội an cư cho người thu nhập thấp

Có một ngôi nhà để an cư là mơ ước của mọi người dân, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để thực hiện, nhất là tại những đô thị lớn - nơi mà do nhiều nguyên nhân nên giá nhà thường rất cao. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho phát triển nhà ở, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập song song 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở.
Quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội - Cơ hội an cư cho người thu nhập thấp

Có một ngôi nhà để an cư là mơ ước của mọi người dân, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để thực hiện, nhất là tại những đô thị lớn - nơi mà do nhiều nguyên nhân nên giá nhà thường rất cao. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho phát triển nhà ở, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập song song 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở.

  • Ai cũng được vay

Theo kế hoạch, trong năm 2012, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành đề án và ban hành chính sách về mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở, sau đó áp dụng thí điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2013 - 2015. Trong 2 mô hình, dư luận rất quan tâm đến mô hình thứ nhất: Quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

Đây là mô hình quỹ tiết kiệm dành cho người thu nhập thấp được vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và nhà ở xã hội.

Chung cư 242/16 đường Bà Hom (quận 6, TPHCM) là nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên chức quận 6.

Chung cư 242/16 đường Bà Hom (quận 6, TPHCM) là nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên chức quận 6.

Quỹ này hình thành trên cơ sở tái cơ cấu quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương – mà theo đánh giá của Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì hiện nay nhìn chung còn yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Theo đề án, nguồn vốn hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở được huy động từ nhiều nguồn như: nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở, tối thiểu bằng 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho quỹ; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc đối với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản… Đặc biệt, vì là quỹ tiết kiệm nên còn có từ nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào quỹ.

  • Điều kiện để được vay

Đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở, tiền đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Khi số tiền đóng góp vào quỹ tối thiểu đạt bằng khoảng 30% giá trị nhà ở cần mua hoặc cần thuê mua và thời gian tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên thì hộ gia đình, cá nhân sẽ được vay tiền từ Quỹ tiết kiệm nhà ở. Việc cho vay được tính trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Người vay phải trả đều hàng tháng trong thời hạn tối thiểu là 15 năm, tính từ ngày được vay thêm để mua nhà ở xã hội.

Nếu người vay là doanh nghiệp, theo đề án, quỹ sẽ thực hiện cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Số tiền cho vay tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư xây lắp và tiền thiết bị của dự án nhà ở xã hội đó. Lãi suất cho vay từ quỹ bằng lãi suất cho vay trung hạn của ngân hàng thương mại trừ (-) lãi suất không kỳ hạn cộng (+) 1%.

Theo Bộ xây dựng, Quỹ tiết kiệm nhà ở là kênh huy động tài chính dài hạn cho phát triển nhà ở, đồng thời có tác dụng nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân. Sau thời gian thí điểm ở Hà Nội và TPHCM, khi chính sách về mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở đã hoàn chỉnh và vận hành hiệu quả thì sẽ triển khai trên cả nước.

VƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục