Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự 2015 với nhiều quy định mới hoàn toàn so với Bộ luật Dân sự 2005. Một trong những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 là quyền chuyển đổi giới tính, được quy định tại Điều 37.
Theo đó, “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trước đây, pháp luật nước ta chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về mặt giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Trong khi đó, việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính). Do vậy, Bộ luật Dân sự 2015 quy định cho phép chuyển đổi giới tính được coi là bước tiến vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện sự điều chỉnh kịp thời của cơ quan lập pháp đối với những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội. Nó không những đảm bảo quyền lợi của một bộ phận trong xã hội mà còn đảm bảo tôn chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi cho những nhóm người yếu thế trong xã hội trong quá trình lập pháp.
Hiện nay, tại Việt Nam, vấn đề chuyển đổi giới tính không còn là một hiện tượng xa lạ. Một bộ phận cá nhân sinh ra đã định hình rõ giới tính về mặt sinh học nhưng trải qua những thay đổi về tâm sinh lý, họ lại có mong muốn thay đổi giới tính. Tâm lý của những người này cảm nhận rằng giới tính của họ không giống với giới tính mà thể xác của họ đang có và hầu hết những người này đều mong muốn vai trò xã hội của họ phải phù hợp với giới tính mà tâm lý của họ tự xác định. Như vậy, việc pháp luật thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính thể hiện sự thay đổi trong cái nhìn của nhà làm luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền con người.
Song song với việc thừa nhận chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi họ tên và cải chính hộ tịch, cũng như có những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi như xây dựng gia đình, nhận nuôi con nuôi… Bộ luật Dân sự được xem như là luật gốc cho những luật chuyên ngành. Vì thế, quy định về việc chuyển đổi giới tính được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 vẫn còn mang tính chất “chủ trương” và việc thực thi trên thực tế vẫn còn phải chờ luật quy định cụ thể. Do đó, trong thời gian tới cần có những quy định chi tiết về vấn đề này.
Mặc dù pháp luật đã mở ra quy định về việc chuyển đổi giới tính nhưng theo chúng tôi, cũng giống như việc xác định lại giới tính, đây sẽ là một quyền nhân thân có điều kiện. Theo đó, các điều kiện về độ tuổi, tình trạng hôn nhân... phải được xem xét để đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, quan hệ hôn nhân gia đình, sao cho phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như truyền thống đạo đức của dân tộc, tránh sự định hướng lệch lạc về giới tính, đặc biệt là đối với bộ phận thanh thiếu niên ở độ tuổi nhận thức về giới tính còn chưa sâu sắc và dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau, bởi xu hướng, phong trào. Thêm nữa, nếu như không được điều chỉnh phù hợp, các quy định mở này ngược lại có thể sẽ bị lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm hoặc trốn tránh pháp luật. Mặt khác, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, việc chuyển đổi giới tính có thể sẽ xảy ra tràn lan, gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước về trật tự công cộng cũng như an toàn về sức khỏe, tính mạng của người chuyển đổi giới tính.
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Từ giờ đến lúc ấy vẫn còn một quá trình dài để những nhà làm luật đưa ra những quy định cụ thể để “quyền chuyển đổi giới tính” được đi vào đời sống một cách phù hợp và hiệu quả.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM)