Cho thuê lại lao động đã được pháp luật hóa trong Bộ luật Lao động 2012. Đây là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động phát sinh từ hoạt động cho thuê lại lao động. Pháp luật đã quy định như thế nào để bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) được thuê lại trong mối quan hệ giữa bên thuê lại và bên cho thuê?
Hoạt động cho thuê lại lao động là việc NLĐ đã được tuyển dụng bởi một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Đối với NLĐ thuê lại, quyền lựa chọn việc làm bị giới hạn ở số công việc nhất định. NLĐ thuê lại chỉ được thực hiện những công việc nằm trong danh mục theo quy định của Chính phủ tại Phụ lục V của Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Danh mục này gồm 17 công việc mang tính chất tạm thời, mùa vụ. Nếu doanh nghiệp sử dụng NLĐ thuê lại làm công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện, sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng tới 50 triệu đồng tùy theo số lượng NLĐ bị vi phạm.
Để đảm bảo thu nhập cho NLĐ thuê lại, Khoản 3 Điều 55 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của NLĐ thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với NLĐ. Đồng thời, khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm tiền lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau”. Do đó, dù là NLĐ thuê lại nhưng khi cùng hoạt động trong một doanh nghiệp, làm cùng một công việc hoặc công việc có giá trị như nhau, có cùng trình độ, phải được đối xử công bằng và nhận lương bằng nhau. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động có hành vi trả lương cho NLĐ thuê lại thấp hơn tiền lương của NLĐ có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động, sẽ bị phạt tiền. Mức phạt thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng, tùy vào số lượng NLĐ thuê lại bị vi phạm. Ngoài ra, doanh nghiệp cho thuê lại lao động còn bị buộc trả khoản tiền lương chênh lệnh cho NLĐ thuê lại; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng nếu có hành vi nêu trên.
Trong hợp đồng cho thuê lại lao động, các bên phải quy định rõ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Nội dung này phải được thông báo cho NLĐ thuê lại biết. Trước khi làm việc, NLĐ thuê lại được thông báo, hướng dẫn về nội quy lao động, quy chế lao động. Bên thuê lại lao động không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của mình. Trường hợp bên thuê lại lao động không thông báo, hướng dẫn cho NLĐ thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của doanh nghiệp, hoặc phân biệt đối xử về điều kiện làm việc đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của doanh nghiệp, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)