Quyết liệt giảm thiểu tai nạn giao thông

6 giải pháp trước mắt
Quyết liệt giảm thiểu tai nạn giao thông

LTS: Hiện nay, bình quân mỗi năm nước ta có đến hơn 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Trong tháng 11-2012, cả nước có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Dịp này, Báo SGGP đăng ý kiến của bạn đọc Lê Anh Tuấn (quận Phú Nhuận, TPHCM) về các giải pháp kéo giảm TNGT.

Cảnh sát giao thông quận 12 (TPHCM) xử lý một vụ TNGT xảy ra trên đường Lê Văn Khương. Ảnh: L.A.T.

Cảnh sát giao thông quận 12 (TPHCM) xử lý một vụ TNGT xảy ra trên đường Lê Văn Khương. Ảnh: L.A.T.

6 giải pháp trước mắt

Các nguyên nhân gây ra TNGT ai cũng biết: ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, việc phân làn đường và bố trí đèn tín hiệu chưa phù hợp, nhiều phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), việc kiểm tra xử lý đối với hành vi vi phạm ATGT chưa nghiêm và có mặt tiêu cực... Để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, theo tôi cần làm tốt các việc sau đây:

- Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm ATGT: Lâu nay giải pháp này vẫn được quan tâm đề cập, nhưng thực tế chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả. Để thực hiện giải pháp này, đòi hỏi cán bộ chuyên ngành, cảnh sát giao thông phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ; nêu cao ý thức trách nhiệm. Có một thực tế không thể phủ nhận là vẫn còn những cảnh sát giao thông nhũng nhiễu, nhận tiền mãi lộ của người vi phạm ATGT. Khi người tham gia giao thông thấy đồng tiền lót tay có thể giải quyết được vấn đề, sẽ càng coi thường việc tuân thủ ATGT, dẫn đến TNGT là điều khó tránh khỏi.

- Xóa các điểm nóng TNGT: Ngay trên địa bàn TPHCM có một số điểm nóng thường xuyên xảy ra TNGT: đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ số nhà 300A đến 322A), đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Ngô Văn Năm đến Công trường Mê Linh), đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đường An Dương Vương đến vòng xoay Cộng Hòa), đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, xa lộ Hà Nội, đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 50, đường Lê Văn Khương (đoạn khu vực Cầu Dừa), quốc lộ 22 (đoạn khu vực bến xe An Sương), đường Ung Văn Khiêm (đoạn trước cảng than Sài Gòn)…

Trên cơ sở lập danh sách các điểm nóng TNGT, phải có phương án hạn chế đến mức thấp nhất TNGT có thể xảy ra tại đó bằng các biện pháp gắn biển báo đoạn đường nguy hiểm, kẻ vạch hạn chế tốc độ, thường xuyên tuần tra canh gác ở những khu vực này. Thường xuyên kiểm tra tốc độ tại các tuyến đường nóng, tuyến đường quy định tốc độ tối đa cho phép để hạn chế tình trạng phóng nhanh vượt ẩu gây TNGT.

- Xây dựng nhiều tuyến đường ưu tiên: Hạn chế các đường nhánh cắt ngang đường ưu tiên. đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành tại nơi đông người qua đường như trường học, bệnh viện, công viên, khu công nghiệp…

- Hoàn chỉnh hệ thống biển báo giao thông: Hệ thống biển báo phải trực quan sinh động, hạn chế ghi quá nhiều chữ trên biển báo. Ngoài các biển báo bắt buộc gắn dọc đường, có thể sử dụng các ký hiệu in dưới các làn đường để người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết.

- Xử lý nghiêm người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt mức quy định: Phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra do người tham gia giao thông say xỉn, không làm chủ được tốc độ. Do đó, cần phải có các biện pháp mạnh tay đối với lỗi vi phạm này như tước bằng lái, giữ phương tiện dài hạn, phạt tiền thật nặng.

- Tăng cường kiểm tra xe đường dài: Các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu xảy ra ở các tuyến xe đường dài như xe khách, xe tải. Chỉ một sơ suất nhỏ của tài xế như ngủ gật, vượt ẩu… cũng đủ cướp đi sinh mạng của hàng chục hành khách trên xe. Do vậy phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

4 biện pháp lâu dài

- Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông: Đây là việc làm khó, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân rất kém ý thức khi tham gia giao thông, với các biểu hiện chạy xe giành đường, lấn tuyến, vượt đèn đỏ…, thậm chí còn hung hăng lăng mạ, chống người thi hành công vụ khi bị nhắc nhở, xử lý. Nên chú ý tận dụng các biện pháp tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông và xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài.

- Hạn chế tình trạng đổ dồn về các đô thị trung tâm: Nên kiên quyết khống chế xây dựng cao ốc văn phòng và chung cư ở khu trung tâm TP, khẩn trương dịch chuyển các đơn vị sản xuất, trường đại học… ra ngoại thành nhằm kéo dãn tình trạng lưu thông đổ dồn về các đô thị trung tâm. Bên cạnh đó phải đầu tư phát triển kinh tế ở các tỉnh lẻ nhằm giữ chân lượng lao động ở các vùng này. 

- Nâng chất lượng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng: Đây là giải pháp rất tốt hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông. Cần nâng cao chất lượng dịch vụ như tăng tuyến, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, trang bị xe chất lượng cao… để người dân thấy rõ đây là phương tiện vận chuyển an toàn, hiệu quả.

- Nâng chất lượng sát hạch và cấp phép lái xe: Việc sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng giống như việc cấp các văn bằng chứng chỉ khác, người học phải trải qua quá trình đào tạo, thi cử nghiêm túc. Nếu đậu sẽ được cấp phép; nếu rớt, bắt buộc phải học lại. Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trên đường nhưng chưa hiểu Luật Giao thông đường bộ, không hiểu biển báo, nên thường vi phạm các lỗi: vượt đèn đỏ, đi lấn tuyến, lạng lách đánh võng. Việc cấp giấy phép lái xe quá dễ dãi sẽ khiến có nhiều người điều khiển xe trên đường nhưng chưa am tường Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến TNGT.

Lê Anh Tuấn

Tin cùng chuyên mục