Ngày 18-2, Chính phủ đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014 - 2015. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn ngoài ngành cũng như nâng cao khả năng quản trị DN.
Không làm được phải để người khác làm
Dù xác định việc CPH là nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm trong tái cơ cấu nhưng việc thực hiện đang diễn ra chậm gây nhiều lo ngại về việc hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, từ năm 2011 đến hết 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN (tổng số DNNN CPH từ trước đến nay là 4.065 DN). Ông Muôn cho rằng việc CPH vừa qua chậm.
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt câu hỏi “Việc CPH có khó không?” Và, theo ông Thăng là “không khó, đơn giản và vấn đề là lãnh đạo bộ, DN có làm không” và nếu quyết tâm thì vẫn thực hiện được kế hoạch CPH “dù khó đến mấy”. Chẳng hạn như Tổng Công ty Xây dựng đường thủy giải thể không được, “tăng trưởng đơn kiện” năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn thực hiện được CPH với 3 nhà đầu tư chiến lược. Từ đó, ông Thăng cho rằng, điều quan trọng nhất là thống nhất được tư tưởng, chủ trương và nếu lãnh đạo DN không hoàn thành được kế hoạch CPH thì “phải để cho người khác làm”.
Thừa nhận năm 2013 TPHCM không hoàn thành được kế hoạch CPH 9 DN, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, là do “năm 2013 chuẩn bị là chính” bởi những DN cần CPH còn lại khó hơn, công tác chuẩn bị dài hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2015, TPHCM sẽ hoàn thành đúng kế hoạch CPH 31 DN. Năm 2014, TPHCM sẽ CPH 17 DN. “Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang nghiên cứu bổ sung thêm những DN có kế hoạch CPH sau năm 2015 vào giai đoạn 2013 - 2015”, ông Hà cho biết.
Để hoàn thành mục tiêu CPH thì 2 năm 2014, 2015 sẽ phải CPH 432 DN. Do vậy, theo ông Muôn, để làm được điều này cần thực hiện giải pháp đột phá. Trong đó, giải pháp được đưa ra là những DN có điều kiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với cổ đông là Nhà nước.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cũng cho thấy đến nay các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành thoái vốn đầu tư ngoài ngành với số tiền hơn 4.100 tỷ đồng trong tổng số gần 21.800 tỷ đồng, chỉ đạt 19%. Đáng chú ý trong đó chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại được bán trong nội bộ.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thoái vốn, tại dự thảo nghị quyết được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, các tập đoàn, tổng công ty có thể sẽ được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét quyết định.
Phải quyết liệt trong thực hiện
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đất nước trong 2 năm 2014 - 2015. Theo Thủ tướng, việc tái cơ cấu DN, trong đó trọng tâm là CPH thời gian qua còn chậm khi có những DN, bộ chưa làm dù các đề án đã được phê duyệt. Dù có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trên thế giới, thị trường chứng khoán khó khăn, kêu gọi cổ đông chiến lược khó... nhưng quan trọng là sự thiếu quyết tâm của các đơn vị. Để đẩy nhanh việc CPH, Thủ tướng yêu cầu cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để quyết tâm làm, thực hiện nghiêm kỷ cương và coi đây là giải pháp số một.
Cũng theo Thủ tướng, DN nào chần chừ trong việc thực hiện CPH “thì mời làm việc khác nhưng đừng có đề bạt cao hơn”. Thủ tướng cho rằng, thị trường ấm hơn, kinh tế vĩ mô đã tốt hơn, do đó thuận lợi cho việc CPH. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng là đề cao tinh thần trách nhiệm trong vấn đề này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tiêu chí, danh mục phân loại DNNN để CPH theo hướng quyết liệt hơn, giảm bớt DN 100% và DN không cần chi phối để cổ đông chiến lược có thể tham gia. Theo Thủ tướng, để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai, tỉnh nào có vướng mắc thì phải làm việc ngay với bộ, ngành để tháo gỡ, các bộ khó thì 2 bộ trưởng phối hợp. “Đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thay mặt Thủ tướng họp hàng tháng. Vấn đề nào khó báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ quyết định. Từ quyết tâm cho tới cách làm phải quyết liệt” - Thủ tướng nói.
Liên quan đến thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, hiện nay còn trên 17.000 tỷ đồng cần phải thoái vốn, Thủ tướng yêu cầu khoản đầu tư nào bán dưới giá trị đầu tư mà để tiếp tục lỗ thì bán tiếp, còn khoản đầu tư nào có lãi thì có lộ trình thoái sao cho có hiệu quả. Những khoản ngoài ngành khó thoái có thể chuyển cho SCIC bán dần để dồn sức cho lĩnh vực kinh doanh chính.
NGỌC QUANG