Tại cuộc họp thường niên của ILO khai mạc tại Geneva ngày 28-5, các quan chức chính phủ, nhà tuyển dụng và công nhân từ 187 quốc gia thành viên ILO tham gia thảo luận các tiêu chuẩn chống lại tình trạng bạo lực và quấy rối tình dục nơi làm việc để sớm thông qua tại cuộc họp ILO năm 2019.
Trụ sở Tổ chức Lao động Quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: ILO)
Trong bản báo cáo của mình, ILO đã xem xét tình hình ở 80 quốc gia và thấy rằng 60/80 quốc gia đã điều chỉnh các hình thức bạo lực và quấy rối về thể chất và tinh thần tại nơi làm việc. ILO cũng lưu ý hiện tại không có tiêu chuẩn pháp lý quốc tế nào đề cập đến bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc. Tài liệu của ILO định nghĩa quấy rối là “một hành vi liên tục không được chấp nhận có khả năng dẫn đến tổn hại về thể chất, tâm lý hoặc tình dục” và cho biết nạn nhân có thể bao gồm người tìm việc và thực tập. Hội nghị ILO thảo luận liệu có nên ra một quy ước ràng buộc về mặt pháp lý hay không với các hành vi quấy rối. Theo Japan Times, hơn 90% các tổ chức lao động trên toàn thế giới, bao gồm cả công đoàn lao động lớn nhất Nhật Bản - Liên đoàn Nhật Bản (Rengo) ủng hộ lựa chọn đưa hành vi quấy rối vào khung pháp lý có tính chất ràng buộc. Tuy nhiên, Rengon cho biết sẽ tham khảo thêm ý kiến trước khi quyết định. Hiện pháp luật Nhật Bản không cấm hành vi bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc. Báo cáo của ILO cũng cho thấy 45,2% công nhân thừa nhận bị “quấy rối nặng” trong một cuộc khảo sát năm 2012 với 4.580 doanh nghiệp ở Nhật Bản và cho rằng “vấn đề rất nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, tình trạng tấn công tình dục xảy ra liên tục tại các cánh đồng trồng cọ ở Honduras, các nhà máy may ở Campuchia và các khách sạn ở Mỹ. Bạo lực tại nơi làm việc khiến cả phụ nữ và nam giới bị tổn thương, nhưng phụ nữ chiếm tỷ lệ bị bạo hành cao nhất. Nguyên nhân một phần là do các hệ thống sản xuất toàn cầu được xây dựng trên nền tảng lao động giá rẻ dành cho phụ nữ. Phụ nữ lao động có ít quyền lực hơn, và vì vậy thường không sẵn lòng hoặc sợ hãi khi phải tố cáo hành vi quấy rối hoặc bạo lực tình dục. Nhiều phụ nữ lo sợ bị mất việc làm, hoặc khi công khai sẽ xấu hổ với đồng nghiệp hoặc gia đình.
ILO nhấn mạnh đến vai trò của các liên đoàn lao động, có thể giúp tạo sân chơi bình đẳng cho phụ nữ làm việc trên toàn thế giới. Thống kê cho thấy phụ nữ làm việc nơi có liên đoàn hoạt động mạnh thì khả năng giải quyết và ngăn chặn các vấn đề quấy rối, tấn công tình dục và bạo lực sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, phương tiện truyền thông xã hội cũng cho phép phụ nữ nâng cao khả năng cảnh báo trước các hành vi quấy rối và bạo lực tình dục, ngay cả trong các ngành công đoàn hầu như không có vai trò. Giờ đây, một quy ước ràng buộc từ ILO sẽ đảm bảo các quốc gia có các công cụ cần thiết để thực thi pháp luật, cũng như phát triển các hệ thống trách nhiệm. Vì vậy, các cải tiến của ILO được hy vọng thực sự có tác động đến người lao động ở mọi nơi làm việc.