Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải là câu chuyện mới. Từ năm 1994, Chính phủ đã từng đề cập tới vấn đề này tại Quốc hội. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, cơ chế bộ chủ quản vẫn chưa có nhiều thay đổi và kéo theo đó là vô số hệ lụy.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Cụ thể, trong 781 doanh nghiệp 100% sở hữu Nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã hơn 3 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 257 tỷ USD). Đây là con số tính theo giá trị sổ sách, nếu tính theo giá thị trường, và tính cả giá trị bất động sản thì còn lớn hơn nhiều.
Tại cuộc hội thảo được tổ chức cuối tuần trước ở Hà Nội về vấn đề xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế thời gian qua đã cho thấy thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật tại DNNN là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, hiện nay đang có nhiều thứ làm hao mòn tài sản công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng, thế nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm. “Báo chí nêu rất nhiều, nào là xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, ethanol Phú Thọ và nhiều nơi khác. Còn trước đó là Vinashin, Vinalines... Đó là hiện tượng, nhưng khá phổ biến. Chừng nào chưa quy được trách nhiệm cho ai, thì chừng đó chưa thể đẩy lùi xu thế này” - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Các chuyên gia cho rằng, so với yêu cầu về quản lý, giám sát quản trị DNNN, pháp luật hiện hành còn thiếu hoặc quy định chưa đủ rõ, chưa cụ thể ở một số nội dung. Hiện tổ chức bộ máy, cách thức, hình thức thực hiện chức năng chủ sở hữu trong nội bộ các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có pháp luật điều chỉnh nên đang được thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành chưa thật sự thúc đẩy cải thiện quản trị DNNN tiên tiến như chế độ đãi ngộ người quản lý doanh nghiệp, chế độ báo cáo tài chính, công bố thông tin… Những bất cập hiện nay đặt ra yêu cầu đối với bộ máy quản lý vốn nhà nước phải độc lập, chuyên trách và chuyên nghiệp.
Thực tiễn chứng minh, để cải thiện quản trị DNNN cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước. Nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách. Việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ. Điều này là vô cùng khó khăn bởi khi thực hiện chủ trương này rất nhiều lợi ích của các bộ, ngành sẽ bị mất đi.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định sẽ sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Chính vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, giờ không phải là lúc bàn chủ trương hay bàn lùi, mà phải tính cách thế nào để thực hiện tốt nhất chủ trương đó. Thứ trưởng Đặng Huy Đông thậm chí còn dùng từ “nước đã đến chân” để nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN trong thời gian tới.
Tại dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, CIEM đề xuất, với tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, sẽ chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách. Các DNNN kinh doanh khác chuyển về Tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). DNNN địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay. Ngoài ra, ngân hàng thương mại sẽ vẫn để Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Về cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quan điểm của CIEM là Chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, thành lập cơ quan chuyên trách sẽ tập trung được nguồn lực vốn nhà nước hiện đang phân tán nhiều nơi, để sử dụng nguồn lực này hiệu quả, đúng mục tiêu chiến lược. Tách được chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước, tức là xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Việc giám sát một cơ quan sở hữu vốn sẽ tốt hơn là giám sát việc quản lý vốn ở hơn chục bộ ngành. “Phải dũng cảm và kiên quyết cải cách. Tránh tình trạng như con kiến mà leo cành đa, mấy chục năm rồi vẫn dậm chân tại chỗ” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
BẢO MINH