Sáng nay, bên mép nước có mấy con còng gió bò lểnh nghểnh trên bãi nước vừa rút của con rạch mé hiên nhà, mà lòng nghe nao nao thương nhớ tận đẩu tận đâu cái xứ sở, đất đai màu mỡ quê mình thơm hương lúa, mát màu mía, nồng cay vương vấn củ hành tím, trắng bông cau, lao xao bóng râm vườn…
Nhớ hôm em đi xuất khẩu lao động nước ngoài, tên nước dài loằng ngoằng con chữ lạ làm sao mà biết, tôi chỉ cầm tay em và nói khẽ như nói cho chính lòng mình nghe vậy: “Đi xa nhớ bông súng chấm mắm kho má nấu lắm; nhớ sông, nhớ đồng và nhớ cái nắng chang chang của đất phương Nam này lắm đó Út ơi! Ở đâu mà không lao động, ở đâu cho bằng Tổ quốc mình. Vả lại em chỉ mới học hết lớp chín thì đã biết làm gì đâu nè!”. Em phớt lờ lời tôi nói như một chiếc lá vừa bay vèo theo hương gió xa. Và em đi.
Năm trước em về trông thật đỏm dáng, nào phấn, nào son, nào quần áo mới, nào tiền xấp nếp phẳng phiu em chia đều ba phần: phần cho má, phần cho tía, phần cho chế hai cùng đứa em trai Út Mót đang học lớp tám và cả tôi nữa. Xúc động. Nhưng tôi không nén được những tiếng thở dài khi thấy tay của Út đã thêm nhiều vết chai hơn, đuôi mắt ngấp nghé nhiều vết nhăn. Nhớ mùa khế rụng, đì đùng í ới bờ ao. Mé quê vậy mà vui, nghe gió mát mà thơm nức lòng. Em lại đi.
Rồi tình hình kinh tế thế giới đầy biến động và tình hình trị an quốc tế không mấy tốt. Đài phát thanh - truyền hình và báo chí phát ran, tôi nghe mà nóng cả ruột cho đứa em đang bươn chải xứ người. Nắng quê nhà mình vẫn ấm, đường rộng thênh thênh, vui sản xuất rạng rỡ ngày thu hoạch.
Em về trong cái nhìn xa xăm và nét mặt ỉu xìu, mới hay thế là em đã bước qua hàng băm. Tía má chợt chưng hửng, vội đi tìm lời ru cho sáo sang sông. Em vội nói: “Má ơi! Con ra sau đìa bẻ bông súng cho má nấu mắm ăn nhá!” và em nằn nì biểu tôi hát bài “Lý cây khế” hồi nhỏ thường hay ê a, bọn tôi biết được bài lý là do chị hai bên xóm thường hát ru con…
Ra sông nghe gió mát. Nghe nói xã mình đã có một số gia đình dùng máy gặt liên hợp canh tác, hội phụ nữ đang râm ran hùn vốn nuôi sú kết hợp làm vườn, thanh niên đang chờ cái xí nghiệp hoàn thành, con lộ mới hanh thông là bắt tay vào việc… chà! Lúc đó khỏi phải đi thành phố làm chi cho xa, ở quê mà cũng rộn rã tưng bừng hà! Út nghe và thấy lòng tiếc nuối, bâng khuâng: “Phải chi hồi đó… mình ráng học… mà cái xí nghiệp quê nhà mới rộng lớn làm sao, chắc là còn thiếu nhân công à hén”.
Trần Huy Minh Phương