Rác giữa khu phố

Ngân sách TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng, còn mỗi gia đình hàng tháng đóng không dưới 20.000 đồng để thu gom, xử lý rác, cùng một mục tiêu tạo môi trường sống trong lành, xây dựng TP văn minh, hiện đại. Vậy nhưng, ở các quận ven, khu vực có nhiều khu quy hoạch, dự án treo đang xuất hiện các bãi rác tự phát, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Rác giữa khu phố

Ngân sách TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng, còn mỗi gia đình hàng tháng đóng không dưới 20.000 đồng để thu gom, xử lý rác, cùng một mục tiêu tạo môi trường sống trong lành, xây dựng TP văn minh, hiện đại. Vậy nhưng, ở các quận ven, khu vực có nhiều khu quy hoạch, dự án treo đang xuất hiện các bãi rác tự phát, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

        Đất trống biến thành bãi rác

Những ngày đầu năm 2014, người dân ở chung cư Đất Xanh (Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) phát hiện bãi đất trống cạnh chung cư xuất hiện bãi rác lớn. Cứ sau một đêm, bãi rác lại rộng ra, cao lên. Người dân phát hiện đống rác này là chất thải công nghiệp nên tổ chức canh chừng để bắt đối tượng đổ rác trộm. Gần 1 giờ sáng, khi mọi người đã yên giấc, chiếc xe tải lớn tắt đèn tiến vào bãi rác. Chiếc xe vừa nâng ben để đổ rác, mọi người ùa ra bắt tại trận. Lái xe nhanh chóng hạ ben, tăng tốc tháo chạy. Bà con đã kịp dùng gạch đá chặn bánh xe và gọi lực lượng chức năng đến xử lý. Tại hiện trường là chiếc xe tải CP-11-27, trên cửa có logo Công ty CPĐT Khoáng sản - Than Đông Bắc (Tổng Công ty 319). Để xóa hiện trường, đêm hôm sau, bãi rác hàng chục tấn bị ai đó đốt, bốc cháy. Mùi chất thải công nghiệp bao trùm cả chung cư. Gần 500 hộ dân phải nhiều ngày trùm trong khói độc và mùi hôi.

Đoạn quốc lộ 1A, đi qua chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM) thường xuyên tồn tại một lượng lớn rác thải. Ảnh: ĐÌNH TUYÊN

Đoạn quốc lộ 1A, đi qua chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM) thường xuyên tồn tại một lượng lớn rác thải. Ảnh: ĐÌNH TUYÊN

Đó chỉ là số ít vụ đổ rác bị phát hiện, bắt tại trận, còn nhiều vụ khác chở rác vào đổ bậy tại các khu quy hoạch, dự án treo nằm trong các khu dân cư. Có thể nói, nơi nào có bãi đất trống do quy hoạch treo, dự án treo đều có thể bị biến thành bãi đổ rác của người dân, doanh nghiệp. Người dân ở đường 42 khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) cho biết, khu vực này có nhiều dự án treo. Nhà cửa của người dân xen lẫn những bãi đất hoang mọc đầy cây dại. Môi trường bị ô nhiễm, ruồi muỗi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Những năm trở lại đây, dân cư tập trung đông đúc, những bãi đất trống ven đường đều trở thành bãi rác. Các vật dụng trong gia đình từ giường chiếu cũ đến rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được người ta mang ra đấy vứt bỏ bừa bãi. Những lúc triều cường, nước dâng ngập, làm rác trôi vào nhà. Người dân vốn đã sống trong ô nhiễm lại càng ô nhiễm nặng hơn.

Tại nhiều bãi đất trống dọc theo các tuyến đường thuộc quận, huyện vùng ven, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, đều có biển cấm đổ rác. Thế nhưng, ngay cạnh biển cấm lại lù lù xuất hiện những bãi rác. Một vòng qua các quận vùng ven, cho thấy trên nhiều tuyến đường như Lã Xuân Oai (quận 9), Nguyễn Văn Khương (quận 12), Tam Bình (Thủ Đức) đều xuất hiện bãi rác tự phát. Có những con đường có đến 3 - 4 bãi rác lớn nhỏ.

        Phạt cao vẫn chưa đủ răn đe

Những bãi rác tự phát xuất hiện là do nhiều khu quy hoạch, dự án bị treo hàng chục năm. Đất có chủ trở thành vô chủ. Những đối tượng đổ rác, chất thải công nghiệp độc hại đã lợi dụng tình trạng đó để đến đổ rác trộm. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân chưa cao. Vì thế, những khu quy hoạch, dự án treo vốn đã ô nhiễm, sình lầy, nay thêm rác thải do chính người dân trong khu dân cư ném ra đã góp phần làm xuất hiện nhiều bãi rác tự phát, gần khu dân cư hơn.

Để dẹp xóa bãi rác tự phát trong các khu quy hoạch, dự án treo rất khó khăn. Ở các quận ven, mỗi phường có hàng trăm khu quy hoạch, dự án treo có thể biến thành bãi chứa rác. Khi các bãi rác đã hình thành thì việc phát hiện không khó, nhưng điều nan giải là canh chừng, phục bắt đối tượng đổ rác trái phép lại không dễ, đối với người dân thải rác sinh hoạt càng khó hơn. Chính vì thế, các biện pháp chế tài, mức xử phạt đối với người đổ, xả rác trộm, đổ rác không đúng nơi quy định rất cao, nhưng chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định, đối tượng nào bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt 200.000 - 500.000 đồng; bỏ rác sinh hoạt trên đường phố, hệ thống thoát nước đô thị bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng. Đối với hành vi chôn hoặc thải vào đất chất ô nhiễm ở thể rác, chất hầm cầu không đúng quy định bị xử phạt 40 - 60 triệu đồng; đối với hành vi xả chất thải độc hại, dầu mỡ, vào môi trường nước phạt từ 60 - 100 triệu đồng. Mức phạt về hành vi này có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, đa số các vụ đổ rác thường lén lút, diễn ra ban đêm và hoàn toàn bất ngờ nên lực lượng chức năng khó phát hiện bắt giữ.

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Tam Phú (Thủ Đức), cho biết: “Sau khi bãi rác cạnh khu chung cư đã hình thành và được người dân cấp báo, chính quyền mới biết. Nhưng ngay sau đó, phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm. Để đảm bảo vệ sinh, phường cho phép đối tượng vi phạm chuyển số hóa chất đi nơi khác. Hiện nay các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ để có biện pháp xử lý và không thuộc thẩm quyền của cấp phường”. Đây là số ít trong những bãi rác tự phát được người dân phát hiện và xử lý kịp thời.

Việc xử phạt nặng đối với hành vi xả, đổ rác không đúng quy định là cần thiết, nhưng đối với các quận ven thì phạt nghiêm vẫn chưa đủ mà cần phải xóa bỏ những bãi đất trống, đất hoang hóa trong khu dân cư. Khi đất có chủ, được sử dụng, không bỏ hoang hóa thì các bãi rác tự phát cũng tự biến mất.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục