"Tôi thương tình cho người cháu vào ở nhờ, bảo lãnh nhập hộ khẩu, rồi người cháu lập gia đình ra ở riêng từ lâu. Khi tôi làm thủ tục mua nhà theo Nghị định (NĐ) 61 thì người cháu xuất hiện, yêu cầu đưa mấy chục cây vàng mới đồng ý ký giấy mua nhà” - bà Nguyễn Thị Nghĩa ở số 14 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 TPHCM, bức xúc.
Tháng 9-1975, thực hiện chính sách cải tạo tư sản, Ban quân quản đã thu hồi căn nhà gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa đang ở, số 111 - 113 Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) và bố trí 4 hộ trong gia đình bà sang ở tầng trệt căn nhà số 14 Lê Công Kiều, cùng phường, diện tích 54,9m2. Nhà đông người, nhưng thương người, năm 1976 bà Nghĩa đã cho người cháu họ là Phan Hữu Phước vào ở. Năm 1981 Phước vượt biên trái phép, bị xử lý và xóa tên khỏi hộ khẩu. Năm 1986, một lần nữa bà Nghĩa dang rộng vòng tay cho Phước vào ở, nhập lại hộ khẩu, giúp tìm việc làm. Rồi Phước lập gia đình và chuyển đi nơi khác.
Năm 2004, để có nơi hương khói người thân và chỗ ở lúc về già, bà Nghĩa xin mua căn phòng theo NĐ 61. Ngày 23-11-2006, Công ty Quản lý Nhà quận 1 (công ty) có công văn (số 4006/TBBN) thông báo bà không đủ điều kiện mua do có tranh chấp. Hỏi ra mới biết đối tượng tranh chấp là Phan Hữu Phước. Phước ra điều kiện, để được mua nhà, bà Nghĩa phải cho Phước đứng tên đồng sở hữu; chia đôi căn nhà hoặc mua xong sẽ bán chia đôi số tiền.
Căn nhà này trước đây thuộc sở hữu gia đình bà Nghĩa. Sau nhiều năm sử dụng, năm 2001, bà Nghĩa làm đơn xin hợp thức hóa. Ngày 3-10-2001, UBND quận 1 đã có Quyết định (số 154) hợp thức hóa sử dụng nhà số 14, đồng thời đề nghị bà ký hợp đồng thuê nhà với công ty, do căn nhà đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Ngày 11-10-2001, bà Nghĩa ký với công ty hợp đồng thuê nhà số 7741 (cũ). Trong hợp đồng có tên của Phước, theo sổ hộ khẩu. Ngày 7-4-2004, công ty và bà Nghĩa ký lại hợp đồng thuê nhà số 7741 (mới), Phước ra ở riêng từ lâu, đã bị xóa tên trong hộ khẩu nên hợp đồng chỉ có bà Nghĩa đứng tên. Bà Nghĩa căn cứ theo hợp đồng mới, làm thủ tục mua căn nhà theo NĐ 61 là đúng quy định pháp luật, hợp tình hợp lý.
Thế nhưng, ngày 15-7-2004, Công an quận 1 có công văn (số 561/CV) giải quyết cho Phước nhập lại hộ khẩu và đề nghị công ty bổ sung tên vào hợp đồng thuê nhà. Là chủ hộ, bà Nghĩa không đồng ý cho Phước nhập hộ khẩu nhưng ngày 30-5-2005, công ty lại có công văn (số 212/CV) hủy hợp đồng thuê nhà số 7441 (mới) và thực hiện thu tiền theo hợp đồng thuê nhà 7741 (cũ). Đã hơn 6 năm, đơn xin mua nhà theo NĐ 61 của bà Nghĩa vẫn không được giải quyết, nếu không có thỏa thuận của ông Phan Hữu Phước có hộ khẩu thường trú và có tên trong hợp đồng thuê nhà.
Thời hạn bán nhà theo NĐ 61 sẽ kết thúc cuối năm nay. Bà Nghĩa đã quá 70 tuổi. Căn nhà số 14 vốn thuộc sở hữu gia đình bà. Trước đây, gia đình bà đã giao căn nhà lớn và nay mua lại căn phòng vốn là sở hữu của gia đình là đúng quy định pháp luật và phần nào cũng đã chịu thiệt thòi. Mong rằng, UBND quận 1 xem xét, giải quyết để ước nguyện có một nơi ở lúc về già, cũng là chỗ thờ tự cho gia đình của bà Nghĩa sớm thành hiện thực.
TRẦN YÊN