Càng cấm càng đổ
Ở chung cư, các bãi rác tự phát thường xuất hiện ở tầng trệt, khu vực nhà cộng đồng, nhà điều hành kỹ thuật… cách không xa các căn hộ. Rác ở khu dân cư là chuyện phức tạp, rác ở các chung cư càng phức tạp hơn bởi nhiều khi sáng sớm ra mở cửa đã thấy một đống rác to đùng ở sát bên. Những đống rác “tự phát” đó không gây mùi khó chịu, nhưng nhìn rất “ngứa con mắt”. Đó có thể là một cái salon còn trơ cái sườn, cái ghế gãy chân, tấm nệm rách bươm, thùng xốp thủng đáy…
Ban đêm nhiều cư dân lén bỏ các loại rác sinh hoạt dọc lối đi nội bộ của chung cư Phạm Viết Chánh
Bà M.L. (ngụ lô C chung cư Phạm Viết Chánh) kể: “Mình mà không kịp dọn, chỉ cần vài tiếng đồng hồ, nơi ấy sẽ trở thành bãi rác kinh khủng. Nhiều người thấy đống rác túm tụm như vậy, không những không dọn mà còn vứt thêm rác của họ vào. Rồi người đi đường, khách vãng lai tưởng đó là nơi tập kết rác, nên vứt rác của họ vào đấy. Nào là bao ni lông, hộp cơm ăn dở dang, chai nước, ly cà phê uống liền… Trời nắng chưa sao, trời mưa nước đọng, bốc mùi hôi thối, muỗi mòng sinh sôi. Muốn sạch chỉ còn cách duy nhất là tự dọn dẹp hay thuê nhân viên rác dân lập giải quyết giùm. Tự nhiên lo chuyện bao đồng, tốn bộn tiền”.
Nơi nào có bảng “cấm tiểu tiện” thì nơi đó bốc mùi khai và nơi có biển “cấm đổ rác” thì có đống rác to đùng. Một hộ dân ở chung cư Phạm Viết Chánh mượn nhà cộng đồng để tổ chức nấu cơm từ thiện vào ngày thứ ba hàng tuần đã phải ghi dòng chữ rất khẩn thiết: “Đây là khu vực nấu cơm từ thiện, xin cô bác giữ vệ sinh chung, đừng xả rác”. Thế nhưng sáng thứ ba nào, trước khi nấu nướng, họ vẫn phải vất vả quét dọn rác để có chỗ sạch nấu cơm từ thiện.
Chưa có chế tài
Chuyện rác “từ trên trời rơi xuống” không là chuyện lạ đối với cư dân đang sinh sống ở khu chung cư. Các “vật thể lạ” hay tàn thuốc lá vẫn cứ rơi từ trên cao xuống. Chuyện xả rác bừa bãi, thiếu ý thức như vậy không chỉ diễn ra ở các chung cư cũ, chung cư tái định cư mà cả ở các chung cư cao cấp.
Đại diện Ban quản lý chung cư Phúc Thịnh (quận 5) cho biết: “Chuyện vứt rác từ trên cao xuống sân chung cư hay hành lang nhà người khác là hành vi rất đáng phê phán. Qua phản ánh của cư dân về việc này, chúng tôi đã chú ý kiểm tra, phát hiện, gặp những người vi phạm để nhắc nhở. Phần đông vi phạm là những người thuê căn hộ chứ không phải chủ sở hữu. Ban quản lý chỉ nhắc nhở, vì chưa có giải pháp chế tài”.
Rác từ tầng cao chung cư thường xả xuống khu vực giếng trời, lối đi lại và nhiều nhất ở sân thượng. Thường là xà bần, gạch cát, ván ép khi sửa căn hộ, hoặc bàn ghế, giường tủ vứt đi nhưng các cư dân không muốn tốn tiền thuê mướn đổ rác.
Ban quản lý chung cư 76 Ngô Tất Tố cho biết: “Sống tập thể, ở tầng cao nhưng ý thức của một số cư dân rất thấp. Chung cư có 3 họng rác nhưng năm nào cũng phải vài lần sửa chữa, làm mới. Lẽ ra rác phải bỏ vào túi ni lông, cột chắc chắn rồi mới vứt vào họng rác, nhưng một số cư dân cứ tùy tiện ném đủ loại rác vào họng rác. Rác không trôi xuống được, làm họng rác hư hỏng, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống cư dân. Ban đêm, một số cư dân lén mang các vật dụng bàn ghế, giường tủ… hư hỏng bỏ ở khu vực giếng trời hay sân thượng. Một năm vài lần, chúng tôi phải thuê công nhân công ty công ích làm vệ sinh sân thượng, thu gom rác rồi thuê xe ép rác vận chuyển đi đổ ở nơi tập trung. Chi phí cho việc làm vệ sinh sân thượng, họng rác, hầm rác, giếng trời… tốn kém mỗi năm hơn 25 triệu đồng”.
Chung cư, nhà cao tầng rất cần xây dựng nền nếp sinh hoạt văn minh để gìn giữ cảnh quan khang trang, môi trường trong lành, xanh sạch đẹp. Vậy mà chỉ vì thiếu ý thức giữ vệ sinh chung; vì e tốn tiền, ngại mất công sức, hay tiện tay không ít cư dân cứ vứt rác bừa bãi. Việc làm đáng chê trách này chỉ chấm dứt nếu từng chung cư có quy ước thực hiện nếp sống văn minh, có nhắc nhở, kiểm tra và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm bị phát hiện qua camera, để các cư dân nâng cao ý thức sống cộng đồng.