Rác vẫn tràn xuống kênh

Xem kênh rạch là nơi xả rác
Rác vẫn tràn xuống kênh

Sau hơn 10 năm triển khai cải tạo kênh rạch trên địa bàn, TPHCM đã thực hiện tích cực và có hiệu quả việc cải tạo môi trường và mỹ quan đô thị. Việc giữ thành quả đó cũng rất gian nan, bởi vẫn có những cư dân thiếu ý thức tiếp tục xả rác xuống kênh rạch, gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy.

Dù không còn đường thoát nước nhưng hàng ngày con rạch chạy ngang qua đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) vẫn phải gánh thêm rác.

Dù không còn đường thoát nước nhưng hàng ngày con rạch chạy ngang qua đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) vẫn phải gánh thêm rác.

Xem kênh rạch là nơi xả rác

Ông Mai Bá Tùng (ngụ đường Trần Quang Khải, quận 1) bức xúc: “Bao nhiêu năm qua, cư dân hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm, vậy mà khi con kênh đã được cải tạo để cư dân được hưởng không khí trong lành và TP đẹp hơn, nhiều người lại không biết giữ gìn vệ sinh chung. Thấy họ vứt rác xuống kênh, tôi buồn bực và xót xa lắm. Nhiều lần tôi đi dạo dọc bờ kênh, nhắc nhở mọi người đừng vứt rác xuống kênh, cũng có người cảm ơn, nhưng cũng không ít ánh mắt cười cợt”. Thật vậy, sau khi TP đầu tư lớn kinh phí và công sức nạo vét lòng kênh và cải tạo dòng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ, hiện nay vẫn có những người xem kênh rạch là nơi xả rác. Mỗi ngày, các con kênh lại bị xả rác sinh hoạt của những người ngụ ven kênh, tàu bè chở hàng đậu tại đây, rác từ các quán nhậu ven kênh và cả ly nhựa, bao ni lông của những người tới bờ kênh hóng mát, câu cá.

Tại phường 6 quận 5, mỗi tối, các quán cà phê bệt ven kênh Tàu Hủ (phía dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương) vẫn xả một lượng không nhỏ ly nhựa, hộp xốp xuống kênh, thản nhiên tận dụng dòng kênh làm thùng rác. Hoạt động buôn bán chiếm dụng bờ kênh và xả rác xuống kênh vẫn diễn ra như không có sự quản lý của chính quyền địa phương. Còn ở bờ kênh Tàu Hủ phía quận 8, đường Ba Đình (thuộc địa bàn phường 8), có cả dãy bàn nhậu dài hàng trăm mét rất xôm tụ mỗi tối. Người ta vẫn vô tư đổ vỏ ốc, khăn giấy xuống kênh.

Do việc xem kênh rạch là nơi xả rác, nên chính cư dân ven kênh rạch phải trả giá. Các cư dân đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) đang phải khốn khổ vì con rạch đầy rác, nghẽn dòng. Trước đây, đường Phan Văn Hân có một con rạch nhỏ chạy qua, đây là dòng thoát nước của khu vực này, nhưng rồi đã bị lấp cửa ra khiến con rạch trở thành ao tù. Vậy mà nhiều người vẫn tiếp tục đổ rác xuống rạch, nước đặc quánh màu đen và phát sinh rất nhiều ruồi muỗi. Mỗi khi mưa xuống, nước bẩn, rác thải dềnh lên tràn vào nhà dân, rất mất vệ sinh.

Chính quyền quản lý chưa chặt

Trả lời về việc để các quán nhậu “vây” bờ kênh Tàu Hủ, ông Nguyễn Duy Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 8, quận 8, nói: “Hàng tuần, tổ công tác đều ra quân dẹp việc kinh doanh quán nhậu chiếm dụng bờ kênh, nhưng vì lực lượng mỏng nên chưa triệt để. Hơn nữa, mỗi lần ra quân thì người bán lại dẹp bàn ghế vào, tổ công tác vừa đi khỏi, họ lại dọn ra. Hiện phường chỉ tuyên truyền nhắc nhở, yêu cầu người dân làm cam kết, chứ chưa thể xử phạt”. Điều đáng nói, ngày nắng cũng như mưa, đều đặn cứ 4 giờ chiều là hàng trăm bộ bàn ghế được bày trải dài trên bờ kênh, không lẽ tổ công tác của phường 8 lại bó tay?

Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, quận 1, cho biết: “Về cơ bản, phường đã dẹp hết các quán ốc, quán nhậu kinh doanh ven dòng kênh, tuy nhiên vẫn còn một số hộ lén lút kinh doanh không bảng hiệu hoặc một số hộ dân đem bàn ghế ra công viên nhậu rồi ném rác xuống kênh. Phường sẽ chú ý hơn nữa đến việc nhắc nhở, xử lý các hộ dân xả rác xuống kênh”.

Cũng là một địa bàn ven kênh Nhiêu Lộc nhưng phường Đa Kao làm khá tốt công tác quản lý môi trường ven kênh. Đoàn phường thành lập CLB Bờ kênh xanh, thứ tư, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đều có hoạt động dọn dẹp ven bờ kênh, vận động người dân tới đây vui chơi, không xả rác, không câu cá. Đồng thời phối hợp với khu phố, mỗi quý tổ chức một chương trình Chủ nhật xanh. Có thể nói, đây là một mô hình khá tốt cho việc vận động cư dân gìn giữ môi trường, không xả rác xuống kênh.

Ngày 30-11 tới đây, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt đối với các hành vi phá hoại công trình công cộng có hiệu lực. Theo đó, hành vi xả rác, đổ đất đá, vật liệu xây dựng xuống hồ, kênh, mương làm cản trở dòng chảy sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao, nhận định: “Nghị định 121 sắp tới sẽ là công cụ đắc lực để các cơ quan chức năng nói chung và phường Đa Kao nói riêng xóa bỏ tình trạng xả rác bừa bãi, vì hiện tại chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục