Cần định vị kinh tế trang trại nằm ở đâu và phải làm gì để tạo điều kiện cho trang trại phát triển. Đó là phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác và phát triển trang trại lần 2, vừa tổ chức ở TPHCM với chủ đề “Vai trò tín dụng trong hỗ trợ phát triển”.
“Đứng nhìn từ xa” hoặc “đi đêm”
Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trạng trại 54ha ở Tân Uyên (Bình Dương), khẳng định trang trại góp phần trong quá trình phát triển nông nghiệp. Trang trại đã tạo ra lượng hàng hóa lớn, khá đồng đều, phục vụ cho nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng hầu như các chủ trang trại “tự bơi” là chính, sự hỗ trợ hay tiếp sức từ các chính sách của Nhà nước là rất ít. “Vừa rồi, lần đầu tiên tôi được hỗ trợ vài chục triệu đồng để làm VietGAP. Đây là điều bất hợp lý khi Chính phủ khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp. Chưa nói giá trị đất, tài sản chúng tôi đầu tư trên đất là 3 - 5 tỷ đồng để trồng 7ha bưởi da xanh, năm rồi thu hoạch gần 200 tấn bưởi, doanh thu gần 10 tỷ đồng, lãi khoảng 50%. Tôi muốn vay ngân hàng 10 tỷ đồng để đầu tư tiếp, nhưng ngân hàng định giá trị đất nông nghiệp rất thấp vì không tính giá trị thiết bị đầu tư trên đất, rốt cuộc chỉ được vài trăm triệu đồng. Tôi là nông dân lớn (chủ trang trại) còn không vay được, hộ nông dân nhỏ làm sao có thể tiếp cận những gói vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước”, ông Chiến bức xúc.
Chủ trang trại vào hàng “đại gia” với cả ngàn hécta Võ Quan Huy (Long An) cho rằng năm 2007, Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi vay 4% nhưng đòi hỏi phải có hóa đơn chứng từ. Trong khi với sản xuất nông nghiệp, nhiều hoạt động không thể có hóa đơn đỏ như chi phí cày xới đất, thuê người lái máy cày, tới vụ thu hoạch thì thuê lao động thời vụ, mua phân bò của các hộ dân để bón cho cây trồng… “Cơ quan thẩm quyền cho rằng không có hóa đơn đỏ là không hợp lệ. Thử hỏi, lao động nông nghiệp và nông dân thì làm gì có hóa đơn đỏ”, ông Huy phát biểu. Cũng câu chuyện vay ưu đãi, ông Ưng Thế Lãm, người TPHCM đầu tư trang trại thanh long 10ha ở Bình Thuận, lại bị vướng theo kiểu khác. Khi làm đơn vay vốn, ngân hàng tại Bình Thuận cho rằng hộ khẩu ở đâu thì về nơi đó vay vốn. Quay về TPHCM xin vay thì ngân hàng ở TP không cho với lý do tài sản thế chấp ở tỉnh không giám sát được. Trước tình thế này, ông phải “đi đêm” để được vay thương mại, nhưng khoản vay rất ít do ngân hàng chỉ định giá trị đất nông nghiệp.
Trước những vướng mắc, bà Bùi Thị Quy, một chủ trang trại ở Nam Trung bộ, nói rằng chỉ biết “đứng nhìn từ xa” hơn là đến gần để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Những rào cản này đã làm chủ trang trại không thể tiếp cận được các chính sách Nhà nước ban hành nhằm khuyến khích kinh tế trang trại phát triển.
Thay đổi tư duy làm chính sách
Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, dù Nghị định 55/2015 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn) quy định khách hàng có thể được vay vốn các tổ chức tín dụng không cần tài sản bảo đảm, nhưng lại vẫn quy định thêm: phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm thủ tục vay vốn. Như vậy, người vay phải có tài sản bảo đảm. Những trường hợp bị chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp (VFAEA), cho biết trong 3 năm đã có hơn 40 văn bản ban hành để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhưng số văn bản có thể đi vào cuộc sống không nhiều. Chuyên gia nông nghiệp độc lập Vũ Trọng Khải cho rằng, Chính phủ, bộ ngành có quá nhiều văn bản pháp quy, đến mức không thể nhớ hết, nhưng cần xem xét lại đã có bao nhiều phần trăm nông dân, chủ trang trại hay doanh nghiệp nông nghiệp được hưởng chính sách khuyến khích này.
Thực tế hiện nay, ngân hàng chỉ là “tiệm cầm đồ” lớn. Nếu không thay đổi tư duy làm chính sách, sẽ không thay đổi được gì. Trả lời về vướng mắc liên quan đến vay vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhấn mạnh, theo quy định vay vốn thì chủ đầu tư vay ở Bình Thuận hay TPHCM đều được. Tuy nhiên, khi ứng dụng vào thực tế, mỗi địa phương lại có những ràng buộc gây khó cho doanh nghiệp.
Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến kiến nghị, việc quy định quá chi tiết trong danh mục là rào cản, vì công nghệ thế giới thay đổi liên tục, việc cơ quan chức năng chưa kịp cập nhật sẽ gây khó khăn cho người vay ưu đãi. Theo ông Võ Quan Huy, cần tạo hành lang pháp lý về đất đai, đầu tư khoa học công nghệ, hạ tầng. Có đầu tư, có sử dụng là có định giá và xem đó là chi phí hợp lý để ngân hàng tính vào giá trị đất. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cả trước mắt và lâu dài, kinh tế hộ, nhất là trang trại, là đơn vị sản xuất cơ bản của sản xuất nông nghiệp. Nên cơ chế, chính sách ưu đãi cần quy định hợp lý để đến được với người làm nông nghiệp.
Ông Lãm còn gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười khác. Do thiết bị dùng trong sản xuất là công nghệ cao, phải đào tạo lao động tại chỗ có tay nghề để vận hành. Thế nhưng, người lao động được đào tạo làm việc tùy hứng, khi làm sai thao tác, thiết bị hư hỏng, bị nhắc nhở là phật ý, bỏ về. Để ứng phó, ông Lãm đầu tư thiết bị để tự động hóa các khâu, gần như không sử dụng lao động. Thế là địa phương tỏ ngay thái độ, vì không tạo ra việc làm cho người dân tại chỗ. Chưa hết, nhiều thiết bị công nghệ cao không sản xuất trong nước nên phải nhập về, nhưng hải quan vẫn tính thuế dù chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện và miễn thuế cho các thiết bị công nghệ cao. Nguyên nhân: loại thiết bị này quá mới nên không có trong danh mục được đề xuất hưởng ưu đãi!