Ráo riết kiểm tra thực phẩm tết

Chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết Nguyên đán nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các chợ trên cả nước vẫn làm người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Trao đổi với báo chí ngày 12-1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết sẽ thành lập khoảng 6 đoàn thực hiện liên tục các cuộc kiểm tra các loại thực phẩm trên thị trường tết, đảm bảo đủ thịt, rau củ quả sạch.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng vệ sinh an toàn các loại nông sản, thực phẩm hiện nay?

Thứ trưởng NGUYỄN THỊ XUÂN THU: Vấn đề nhức nhối nhất của ngành nông nghiệp là quản lý giết mổ, đặc biệt là ở TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong khi ở miền Nam, Đà Nẵng và TPHCM quản lý công tác giết mổ rất chặt, rất tốt thì Hà Nội gần như bỏ ngỏ, không thể quản lý được. Hôm qua, bên thú y vừa báo cáo, qua kiểm tra tại các chợ có tới 90% thịt các loại đạt tiêu chuẩn VSATTP nhưng tôi không tin. Bởi công tác giết mổ, nếu được tận mắt chứng kiến thì cực kỳ kinh khủng. Thậm chí người ta giết mổ gia súc, gia cầm ngay gần khu chăn nuôi. Heo thì chở đi dọc đường không che đậy. Tôi cho rằng cơ quan chức năng ở phía Bắc chỉ kiểm tra theo dạng định tính, tức nhìn bằng mắt xem thịt có ôi thiu hay không chứ không kiểm tra vi sinh. Điều này không đạt tiêu chuẩn kiểm tra.

Trong khi đó, ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu vi sinh và các vi khuẩn ecoli hoặc phẩy khuẩn tả. Nếu ở Hà Nội cũng kiểm tra như vậy thì chắc chắn sẽ phát hiện nhiễm rất nhiều.

- Vậy Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo lập lại trật tự VSATTP trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán?

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tập trung cho tháng cao điểm VSATTP, bởi đây là thời gian tết cổ truyền và nhiều lễ hội sắp diễn ra. Trước hết, chúng tôi xác định tiêu chí là bằng mọi cách phải giảm được 10% các vụ ngộ độc về thức ăn và đảm bảo tuyên truyền cho 100% đối tượng liên quan về vấn đề VSATTP.

Tuy nhiên, giải pháp cứng rắn vẫn là phải tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên tục. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã được giao chủ trì 3 đoàn kiểm tra, các bộ khác cũng có sự phối hợp của 3 đoàn kiểm tra khác, tức sẽ có 6 đoàn. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đồng loạt triển khai các đoàn kiểm tra. Theo quy định, các cục của Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế thực hiện các chương trình chung ở cấp quốc gia. Nhưng các địa phương cũng phải chủ động thực hiện ở địa phương mình. Cùng đó, Bộ NN-PTNT coi năm 2012 là năm đột phá về thực hiện chất lượng nông sản và VSATTP.

- Theo bà, làm sao để đảm bảo việc tạo ra những loại thực phẩm sạch thực sự, quản lý bền vững từ gốc?

Để làm được điều này, chúng ta phải quản lý được chất lượng nông sản ở tất cả các khâu. Một trong những giải pháp là quản lý theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Chúng tôi đã có một số mô hình quản lý đang được triển khai, đó là quản lý rau sạch ở Hà Nội, ở Đà Lạt, quản lý thực phẩm tươi sống ở Bắc Giang... Đây là mô hình quản lý từ trang trại, vườn trồng, ao cá đến bàn ăn. Đồng thời, tất cả các sản phẩm phải gắn với tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Khi người sản xuất tuân thủ theo các tiêu chuẩn thì sẽ đảm bảo các sản phẩm đó đạt yêu cầu về VSATTP.

Cái khó bây giờ là hướng dẫn người dân quản lý theo chuỗi. Rõ ràng, sản phẩm được quản lý và tuân theo các tiêu chuẩn phải có giá chênh lệch với các sản phẩm không được quản lý, không giám sát, không an toàn. Vì thế, một giải pháp được chúng tôi đưa ra là sẽ phải định hướng việc tìm kiếm thị trường tiềm năng để từ yêu cầu của thị trường, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu và quản lý vùng nguyên liệu đó.

Văn Nguyễn

Tin cùng chuyên mục