Ngày 23 tháng Chạp, trong khi nhà nhà sửa soạn tiễn ông Táo thì gia đình em N.A.V., lớp 8 Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, lại đau xót đưa em về thế giới bên kia. Mẹ em khẩn khoản đề nghị nhà trường đừng cho hàng xóm biết nguyên nhân V. thiệt mạng vì đâm chém. Cái chết của em N.A.V. khiến chúng ta day dứt: Tại sao lại xảy ra án mạng ở lứa tuổi áo trắng còn chưa lấm bụi đời? Tại sao, tại sao… và ai có lỗi?
Thời gian gần đây bạo lực trong học đường đã lên đến mức báo động. Có những vụ việc áo trắng học đường hành xử theo kiểu xã hội đen vẫn còn in hằn trong tâm trí mọi người, như vụ trả thù đâm nhầm người khiến một nam sinh ngoan hiền học ở quận 10 thiệt mạng. Mới nhất là vụ việc “đánh hội đồng” một nữ sinh tại một trường THCS quận 11, hay vụ hai nữ sinh mặc đồng phục áo dài lao vào nhau thi triển võ kungfu... Dư luận sửng sốt không chỉ vì tính chất vụ việc mà còn ở sự thản nhiên, vô tư của các em khi tự quay video clip và phát tán trên mạng cho nhiều người cùng “thưởng thức”.
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của bạo lực học đường là do các em thiếu kềm chế cộng với suy nghĩ muốn làm “anh hùng”, thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Thiếu niên ngày nay khó thích ứng với sự thay đổi của xã hội, của tuổi dậy thì và những khó khăn trong đời sống. Đối với các em, từ “bùng nổ” tâm lý đến “trượt dài”, “sa ngã” là con đường rất ngắn. Nếu cha mẹ, nhà trường lơ là, bỏ mặc sự cô độc của trẻ sẽ khiến các em gây ra bạo lực học đường, dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu, đánh mất chính mình.
Các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp: tăng cường giáo dục lối sống, kiến thức pháp luật cho HS qua những buổi chào cờ, sinh hoạt; tạo môi trường vui chơi giải trí lành mạnh cho các em; sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để nhận biết và giúp HS điều chỉnh những thay đổi trong tính cách theo chiều hướng tích cực. Trẻ cần có thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý và được cha mẹ yêu thương, quan tâm. Trẻ cần được phát triển không chỉ về chỉ số thông minh mà còn chỉ số cảm xúc, kỹ năng xã hội và cách giải quyết vấn đề.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh “chân, thiện, mỹ”, nhà trường cần bổ sung thêm chữ “nhẫn” cho HS qua những câu chuyện cảm động dưới cờ, những tiết sinh hoạt ngoại khóa. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “nhẫn” trong tiếng Hán được ghép lại từ chữ “đao” (con dao) ở trên và chữ “tâm” (con tim) ở dưới, ngụ ý nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đớn đau, thất bại. Nếu rèn được chữ “nhẫn” từ nhỏ, các em sẽ tránh được hơn thua, lụy phiền và dễ thành công ở bước đường tương lai.
HỒNG LIÊN