Rèn kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ

Rèn kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ

Mỗi tuần 4 buổi, nhiều chị em cán bộ, công nhân viên chức công tác tại các cơ quan, ban ngành quận 11 (TPHCM) lại háo hức đến Liên đoàn Lao động quận 11 để dự học lớp kỹ năng phòng vệ dành cho phụ nữ. Nhiều học viên cho hay lúc đầu cơ quan phân công đi học, cũng nản lắm, nhưng theo học thì… ghiền ngay.

Sân chơi thiết thực

Theo học lớp hướng dẫn kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ không chỉ có phụ nữ, nhiều người còn dắt theo con em mình.

Chị Huỳnh Thúy Hạ, công tác tại Đội Thanh tra địa bàn quận 11 (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), kể: “Lớp này hay lắm, tập cho chị em ứng phó nhanh khi gặp các tình huống như bị giật điện thoại di động, bị kẻ xấu tấn công, bị bạo hành… Học cũng không khó lắm và rất vui. Học xong khóa này, em sẽ học thêm khóa nữa để nắm các phần chuyên sâu. Bây giờ tự tin lắm rồi, có thể tự vệ khi bị giật điện thoại hay bị kẹp cổ, túm tóc”. Còn cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, công tác tại UBND phường 6, vốn đã từng học võ Taekwondo, nhận xét: “Lớp này chủ yếu dạy các thế Aikido, rất hợp với phụ nữ, nhằm trang bị kỹ năng tự vệ khi bị cướp, bị khóa tay, bị đánh bằng nón bảo hiểm. Nếu phản đòn được thì càng hay. Khi có khóa học mới, em sẽ cho các con em theo học”.

Hướng dẫn các kỹ năng tự vệ cho học viên nữ

Phạm Thị Tuyết Mai, 25 tuổi, dáng nhỏ nhắn, công tác tại Phòng Tư pháp, kể: “Lúc đầu vào học, em sợ lắm, chỉ biết né thôi. Nay hết sợ rồi. Trước nếu bị ai đánh thì chỉ biết ôm đầu mà chịu, còn bây giờ có thể tự vệ được. Xong lớp này em cũng sẽ đăng ký học thêm lớp nữa”.

Hồ Phương Ngân Khánh, công tác tại Phòng LĐTB-XH, vui vẻ kể: “Các thầy rất nhiệt tình, kiên trì dạy đến khi nào học viên nắm chắc được kỹ năng. Hôm đầu thực tập, em không chịu ra, liền bị túm đầu ra, “nổi điên” lên, em đánh lại quá trời, các thầy đều đỡ được và chỉ dẫn thêm cho bài bản hơn. Nhớ mới hôm nào các học viên sợ sệt, ngại ngần, giờ hầu hết đều xung phong ra sàn tập, quật ngã các thầy hướng dẫn bằng nhiều thế khác nhau trong các tình huống bị cướp điện thoại, bị kẹp cổ, túm tóc…”.

Kỹ năng tự vệ, không dạy đánh nhau

Người mở đường cho các lớp dạy kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ là võ sư Aikido Lê Hoàng Mai, bắt đầu dạy môn võ Aikido từ năm 2000. Qua tham khảo các clip của nước ngoài dạy kỹ năng phòng vệ, thầy Mai bắt đầu nghiên cứu soạn ra các giáo trình dạy kỹ năng chống cướp giật, chống bạo hành… để giới “chân yếu tay mềm” có thể tự vệ, tránh thương tật khi bị cướp giật, có sức khỏe và làm việc tốt hơn.

Thầy Mai cho biết: “Tôi đã soạn hơn 20 giáo trình để hướng dẫn chị em tự vệ. Kỹ năng phòng vệ ai cũng có thể học và ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Khi bị giật điện thoại hay giỏ xách, ai cũng hoảng hồn, thậm chí bị té ngã. Tính mạng con người là quan trọng, học kỹ năng rồi sẽ biết cầm điện thoại như thế nào là đúng cách để không bị giật, hạn chế được tai nạn có thể xảy ra. Chỉ cần học qua một lần là làm được, học để tự vệ chứ không phải để đánh nhau!”.

Xem các học viên thực tập, có thể ghi nhận giáo trình của thầy khá đơn giản, dễ học, dễ vận dụng. Mỗi buổi học, thầy Mai và nhóm trợ giảng hướng dẫn một kỹ năng và học viên nào cũng phải lần lượt ra sàn thực tập, tập khi nào được mới thôi. Từ những bài học đơn giản như chống giật điện thoại, các học viên đã dần mạnh dạn để nắm được các kỹ năng khó hơn, như tự vệ khi bị túm tóc kẹp cổ từ phía sau, cách thoát ra khi bị đánh bằng nón bảo hiểm…

Ngoài phụ trách hai lớp võ Aikido tại Cung Văn hóa Lao động và Nhà Thiếu nhi quận Tân Bình, thầy Mai và các trợ giảng đang nhận dạy kỹ năng tự vệ cho cán bộ công nhân nhiều đơn vị như Công ty Dịch vụ công ích quận Tân Bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Bình, Liên đoàn Lao động quận 11...

Hiện nay, thầy Mai đang kết hợp với Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp và quận Tân Phú mở lớp hè cho các thiếu nhi. Thành đoàn cũng đề nghị mở lớp kỹ năng phòng vệ cho công nhân các khu công nghiệp. Thầy Mai cho biết: “Nơi nào có điều kiện thì bồi dưỡng, còn lại chúng tôi đều dạy miễn phí. Cái chính là được làm công tác xã hội, giúp chị em công nhân”.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục