Học sinh cấp trung học ở độ tuổi vị thành niên, các em phát triển mạnh mẽ về đời sống cảm xúc cũng như đang khẳng định dần vị thế xã hội. Song, vì bồng bột, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng nên các em thường suy nghĩ nông cạn và có thể thực hiện những hành vi tiêu cực.
Những chuyện nhạy cảm - nhất là các mối quan hệ tình cảm - thường được giấu kín và đôi khi các em coi đó là bất khả xâm phạm. Nếu có ai phát hiện hoặc nếu bản thân bị chế giễu, bị làm nhục, bản thân các em sẽ cảm thấy hổ thẹn và tủi nhục vô cùng. Thậm chí các em còn coi đó là cú sốc và tìm cách chạy trốn. Trong khi đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em chưa được gia đình và nhà trường quan tâm đúng mức. Ở độ tuổi các em có thể có những tình yêu trong sáng, cần được tư vấn giúp định hướng đúng của đội ngũ các nhà tư vấn hoặc giáo viên, để các em có thể biết ứng phó trước các tình huống xảy ra với bản thân.
Khi các em gặp những cú sốc về tinh thần, việc giúp các em được vững vàng và tìm kiếm sự lựa chọn tích cực là rất cần thiết. Gia đình và nhà trường phải luôn thể hiện sự tôn trọng các mối quan hệ của các em và nhất là sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi cũng như các mối quan hệ nam nữ. Tôn trọng là thể hiện sự thừa nhận của người lớn với các em và đồng thời có những cách ứng xử phù hợp với các biểu hiện hành vi của các em. Đồng thời phải giáo dục giới tính một cách khoa học. Cha mẹ và thầy cô phải có các buổi trao đổi với trẻ về tình bạn, tình yêu tuổi học trò. Không nên tỏ ra quá nghiêm khắc đến mức cấm cản chuyện trẻ có tình cảm khác giới. Hãy bày tỏ thái độ dung hòa khi đề cập đến chuyện tình cảm nam nữ. Chúng ta làm thế không phải là vẽ đường cho hươu chạy, mà để trẻ biết rằng những cảm xúc, rung động khác giới là có thật, là không bị cấm đoán.
Vì thế, các em sẽ không phải quá lo lắng để che giấu và cũng không quá hoảng loạn đến cùng quẫn khi người khác biết về chuyện yêu đương của mình. Đó là vẽ đường cho hưu chạy đúng, khi các em được giáo dục bài bản và khoa học, các em sẽ không phải cảm thấy xấu hổ, sẵn sàng đối diện với dư luận. Các bậc phụ huynh và thầy cô hãy thực sự là những người chủ động, định hướng cho trẻ, hướng dẫn và dạy cho trẻ cách ứng xử hợp lý. Đặc biệt là phải biết đương đầu với những tình huống bất ngờ, phức tạp; khuyên trẻ đừng dại dột mà nghĩ rằng “chết là hết”, trước bất kỳ một hành động nào cũng phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với bản thân, với gia đình và xã hội.
Nhà trường và các trung tâm kỹ năng sống cần dạy cho trẻ những kỹ năng thực hành với các tình huống trong cuộc sống. Chẳng hạn, các em được hướng dẫn cách xử trí khi hình ảnh chưa đẹp của mình bị tung lên mạng, thậm chí là các video clip nhạy cảm, có những bình luận không hay về bản thân, thì tìm đến sự hỗ trợ tin cậy của người lớn như cha mẹ và thầy cô, chứ không nên nông nổi, bồng bột chọn cái chết để giải quyết nỗi khổ của bản thân. Đồng thời người lớn cần giúp trẻ biết phân tích tình huống, không được nghiêm trọng hóa vấn đề.
Khi các em được trang bị kiến thức đầy đủ, được hướng dẫn, chỉ bảo tận tình và có nguồn động viên lớn từ phía những người đáng tin cậy, các em sẽ vững vàng và tự tin đối mặt với bất cứ tình huống sóng gió nào trong cuộc đời. Dù có bất trắc đến đâu cũng coi đó là một chuyện bình thường, sẵn sàng vượt qua dư luận và thậm chí còn thể hiện nghị lực hơn trong mỗi lúc gặp khó khăn, thử thách.