Thông tin trên mạng cung cấp rất nhiều kiến thức hữu dụng về chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều thông tin không được chọn lọc, thẩm định, mà được lang băm tung lên mạng nhằm bán các thuốc dỏm với lời quảng cáo trị bá bệnh. Vậy mà vẫn có không ít người lạm dụng thông tin trên mạng để tự chẩn đoán và chữa bệnh, bất chấp hậu quả.
Mù quáng nghe theo “bác sĩ internet”
Từ một vết thương viêm mô tế bào, chị Đ.T.H. (48 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có nguy cơ bị tháo khớp bàn chân vì quá tin vào cách chữa bệnh trên internet. Dù vẫn điều trị ngoại trú tại bệnh viện, nhưng chị H. lại không hoàn toàn đặt niềm tin vào bác sĩ, cầm toa thuốc do bác sĩ kê, chị lên mạng tìm hiểu công dụng của từng loại thuốc kháng sinh rồi thấy loại nào có tác dụng phụ là chị tự mua thuốc khác thay thế, thậm chí vừa uống thuốc tây, chị vừa đắp các loại lá cây rừng theo hướng dẫn trên internet. Hậu quả, chân chị bị viêm ngày càng nặng dẫn đến hoại tử, còn các bác sĩ đành bất lực với bệnh nhân này.
Trên mạng rao đủ thứ các loại thuốc ''cường dương'' không rõ nguồn gốc
Còn chị H. P. L. (22 tuổi, ngụ tại quận 9, TPHCM) bị nấm da, vùng sống mũi nổi mẩn đỏ, có mụn nước và ngứa. Thay vì đến bệnh viện da liễu để được thăm khám, chị tìm thông tin trên mạng giới thiệu loại thuốc đặc trị mụn, rồi mua về tự điều trị. Hậu quả, tế bào nấm lan nhanh khắp mặt, khiến mặt chị lúc nào cũng sưng tấy, đỏ và rất ngứa.
Chị L. kể: “Kiếm trên Google, tôi thấy rất nhiều người cho biết bị với triệu chứng giống mình, chia sẻ các loại thuốc họ sử dụng hiệu quả, nên tôi tìm mua mấy loại thuốc đó về bôi. Sử dụng thuốc này một thời gian không hết, tôi lại mua thuốc khác, để mong tìm được loại hợp với cơ địa của mình. Cứ thế tôi “cày tung” các trang mạng để tìm cách trị mụn, nhưng kết quả mặt tôi bị nặng hơn. Sau 2 tháng tự chữa, tình trạng càng tệ hại hơn, tôi mới đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu, bác sĩ chẩn đoán bị nấm và tế bào nấm đã phát triển rộng khiến việc điều trị vừa tốn kém vừa mất thời gian”.
Việc người bệnh tự chữa bệnh bằng “bác sĩ internet” ngày càng trở nên phổ biến, từ cảm cúm thông thường đến các bệnh nan y. Bên cạnh những trang mạng thực sự do bác sĩ có uy tín thật lòng muốn truyền đạt kiến thức chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, cũng có rất nhiều trang mạng của lang băm. Đáng nói, chỉ một thông tin, một cách điều trị nhưng các trang mạng dẫn về, “xào nấu” đăng lên như là thông tin của mình và đương nhiên, khi nhiều trang cùng nói về một vấn đề, một hướng giải quyết thì người bệnh dễ bị xiêu lòng và nghe theo. Ngay cả các bệnh nhân bị ung thư cũng mải chạy theo các phương pháp chữa bệnh được các lang băm trên mạng sốt sắng chỉ vẽ như chỉ ăn rau để cung cấp chất xơ cho cơ thể, cắt toàn bộ chất đạm để tế bào ung thư… teo lại; hay uống loại lá này, ăn củ kia có tác dụng diệt tận gốc tế bào ung thư. Các loại thuốc dỏm trị tận gốc ung thư được quảng cáo đầy trên các trang mạng như là thần dược.
Chỉ là thông tin để tham khảo
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về thực trạng một bộ phận người dân tự chẩn đoán và mua thuốc điều trị bệnh chỉ bằng thông tin trên mạng, PGS-TS Trương Quang Bình cho biết: “Để có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bác sĩ phải tìm hiểu rất rõ thể trạng người bệnh, về cơ địa người bệnh, về những loại bệnh khác đi kèm, về mức độ bệnh nặng hay nhẹ, kết hợp với kinh nghiệm riêng của bản thân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, loại thuốc và liều lượng thích hợp, thời gian điều trị thích hợp. Thông tin trên internet có thể giúp người bệnh tìm hiểu được bệnh lý của mình. Nhưng nếu các bạn không phải là thầy thuốc thì những chỉ dẫn trên internet chỉ có thể giúp bạn tìm hiểu, phán đoán phần nào triệu chứng bệnh, chứ không đủ và không thể giúp bạn chẩn đoán được chính xác tình trạng bệnh của mình. Việc tự chẩn đoán và điều trị bệnh qua lời khuyên trên internet là việc làm thiếu khoa học, người bệnh chỉ nên sử dụng các thông tin trên internet ở mức độ tham khảo, coi đó là công cụ giúp mình hiểu bệnh, giúp mình tìm đúng cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng cách”.
Đồng quan điểm với bác sĩ Bình, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết: “Bệnh viện Quận 2 cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh trở nặng do bệnh nhân tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn trên internet. Tự phán đoán bệnh qua internet là sai lầm, bởi có rất nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau, họ tưởng là bệnh đó nhưng thực tế khi có các bệnh lý khác đi kèm hoặc tùy cơ địa mỗi người mà lại là bệnh khác. Do đó, người bệnh cần phải đến khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện uy tín với các bác sĩ có chuyên môn”
THU HƯỜNG