SABECO – 35 năm xây dựng và trưởng thành

Ngày 1-6-1977, Công ty Rượu Bia miền Nam chính thức tiếp nhận, quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn, bắt đầu hành trình xây dựng phát triển. 35 năm sau, nhà máy nhỏ bé năm xưa nay đã trở thành Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO) với hàng chục nhà máy sản xuất trên khắp cả nước, có sản lượng trên 1 tỷ lít bia/năm, đứng vị trí thứ 21 trong số các nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới, trong tốp 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây có thể được xem là  mốc son đánh dấu sự trưởng thành và cũng là nền tảng để SABECO tiếp tục đạt nhiều thành công hơn nữa trorng thời gian tới...
SABECO – 35 năm xây dựng và trưởng thành

Ngày 1-6-1977, Công ty Rượu Bia miền Nam chính thức tiếp nhận, quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn, bắt đầu hành trình xây dựng phát triển. 35 năm sau, nhà máy nhỏ bé năm xưa nay đã trở thành Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO) với hàng chục nhà máy sản xuất trên khắp cả nước, có sản lượng trên 1 tỷ lít bia/năm, đứng vị trí thứ 21 trong số các nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới, trong tốp 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây có thể được xem là  mốc son đánh dấu sự trưởng thành và cũng là nền tảng để SABECO tiếp tục đạt nhiều thành công hơn nữa trorng thời gian tới...

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO)

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO)

Vượt thách thức

Ngay từ những ngày đầu tiếp quản, mặc dù hệ thống thiết bị đã xuống cấp, cán bộ quản lý còn mới (trước giải phóng cấp trưởng của các ngành đều do người nước ngoài nắm giữ) nhưng tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy đã nỗ lực duy trì sản xuất đạt sản lượng 21,5 triệu lít.

Những năm tiếp theo, sản xuất được duy trì nhưng ngày càng khó khăn, nguyên liệu tồn kho cạn dần, trong khi nguồn bổ sung nhỏ giọt, sản phẩm sản xuất ra giao cho hệ thống thương nghiệp tiếp nhận và phân phối nên vòng quay chai két thường không đảm bảo do tiêu thụ không gắn với sản xuất.

Mặc dù lãnh đạo Công ty Rượu Bia miền Nam hết sức tích cực chủ động, xoay xở tìm nguồn nguyên vật liệu, nhưng có những thời gian cũng chỉ đủ để sản xuất cầm chừng. Đứng trước tình hình đó, công ty đã xin phép được giao hàng đến hệ thống thương nghiệp cấp II, đồng thời tăng cường sản phẩm bia hơi, nhờ vậy năm 1980-1981 sản lượng bia đạt trên 40 triệu lít, trong đó hơn 50% là bia hơi. Năm 1981, Công ty Rượu Bia miền Nam được chuyển thành Xí nghiệp liên hợp Rượu – Bia – Nước giải khát II, song dù đã tích cực chủ động tìm mọi biện pháp tháo gỡ nhưng tình hình sản xuất vẫn không cải thiện, có lúc chỉ sản xuất để giữ men.

Tuy nhiên, thời gian này lại là lúc CBNV nhà máy phát huy sức mạnh tập thể. Các phong trào thi đua liên tiếp được phát động, nhiều sáng kiến cải tiến hợp lý hóa đã góp phần giữ vững sản xuất. Năm 1985, nhà máy đã sản xuất được 760 tấn malt từ lúa mì và hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chiết bia lon để tháng 10-1985, sản phẩm bia lon đầu tiên do Việt Nam sản xuất ra đời, góp phần đưa sản lượng năm 1985 đạt 56,58 triệu lít.

Với những thành tích đã đạt được, SABECO vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tặng nhiều Huân, Huy chương, Cờ thi đua luân lưu và Bằng khen các loại, ghi nhận những đóng góp quan trọng của CBNV Bia Sài Gòn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tháng 3-2008, SABECO đã được Chủ tịch Nước CHXNCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã thổi một luồng gió đổi mới tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Ngày 14-4-1988, Đại hội Đảng bộ Nhà máy lần thứ II đã ra Nghị quyết với nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống CBNV, mạnh dạn đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng đề tài khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả cao.

Từ năm 1989 – 1993 là giai đoạn Nhà máy Bia Sài Gòn đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, rà soát bố trí sắp xếp lại lao động, từng bước thay đổi cơ chế điều hành, triển khai công tác hạch toán độc lập, đầu tư  mới và thay thế một số máy móc thiết bị đã quá cũ, dây chuyền chiết chai tự động được đầu tư với công suất 30.000chai/giờ.

Việc đầu tư bước 1 thành công đã giúp Nhà máy tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm và có thêm một loại sản phẩm mới, đó là bia chai 450ml thay cho loại chai 500ml, hình thức và chất lượng được nâng cao rõ rệt, nhãn trước, nhãn sau thể hiện rõ thông tin sản phẩm, chụp bạc cổ chai gọn gàng, giúp tiết kiệm chi phí. Các sản phẩm bia lon “333”, “Bino, “gấu trắng” cũng được đưa ra thị trường để thăm dò, kết quả, bia lon “333” đến nay không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được người tiêu dùng nước ngoài biết đến. 

Năm 1993, Nhà máy Bia Sài Gòn đã trở thành Công ty Bia Sài Gòn hoạt động theo Quy chế Doanh nghiệp Nhà nước. Từ đây, công ty tiếp tục mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, liên doanh sản xuất chai, lon... đến năm 1998, sản lượng bia đã đạt 186 triệu lít, vượt công suất thiết kế, nộp ngân sách 1.020 tỷ đồng, tổng lãi đạt 402 tỷ đồng và là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước có mức nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Ngày càng lớn mạnh

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, nguồn cung của bia Sài Gòn luôn không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh việc xây dựng chiến lược mở rộng sản xuất, bia Sài Gòn tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng sự đa dạng thị hiếu của người tiêu dùng. Năm 1999, công ty đã nghiên cứu cho ra đời sản phẩm bia cao cấp Saigon Special được sản xuất từ 100% malt để phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao.

Năm 2000, sau một thời gian khảo sát và đánh giá một số nhà máy bia trên toàn quốc có máy móc thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý đạt yêu cầu, công ty đã quyết định chuyển hướng gia công một số sản phẩm tại các Nhà máy Bia Sóc Trăng; Nhà máy Bia Henninger, Nhà máy Bia Phú Yên, Nhà máy Bia Hương Sen, Công ty Liên doanh Bia Cần Thơ, Nhà máy Bia Hà Tĩnh… Đây là giải pháp mang tính ngắn hạn nhưng có hiệu quả về mặt lâu dài: đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trước mắt, giữ vững thị phần, tạo đà để sản xuất và tiêu thụ 350 triệu lít bia các loại vào năm 2005.

4 yếu tố chính giúp SABECO thành công trong việc giữ vững thương hiệu và vị trí dẫn đầu trong ngành Đồ uống Việt Nam

1. SABECO đã đầu tư hệ thống các nhà máy hiện đại trên toàn quốc, đảm bảo sản lượng cung cấp kịp thời.

2. Sự hình thành của các công ty CP thương mại SABECO khu vực và mạng lưới các chi nhánh phủ rộng trên toàn quốc với một hệ thống trên 1.200 nhà phân phối.

3. SABECO luôn giữ ổn định chất lượng sản phẩm.

4. SABECO luôn thực hiện đúng các chiến lược về thương hiệu, từ việc xây dựng lại hệ thống nhận diện thương hiệu, đổi mới, nâng cấp hình ảnh logo và các thông điệp theo hướng chuyên nghiệp và chuyên sâu.

Năm 2003, Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn SABECO được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới là Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ; Công ty Thương mại Dịch vụ Bia - Rượu - NGK Sài Gòn. Năm 2004, Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn  SABECO chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 37/2004/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương).

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, SABECO đã có những bước chuyển mình ngoạn mục để phát triển vững chắc, khẳng định thế mạnh và uy tín của thương hiệu Bia Sài Gòn
. Song song với việc tăng sản lượng, SABECO đã nhanh chóng phát triển mạng lưới tiêu thụ, đến nay đã có 28 đơn vị thành viên, 9 công ty thương mại với hơn 1.200 đại lý tiêu thụ tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, Bia Sài Gòn còn được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHLB Đức, Đài Loan, Liên bang Nga, Hoa Kỳ,... Những kết quả đầy ấn tượng đó giúp thương hiệu Bia Sài Gòn có những thay đổi căn bản về lượng và chất, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu, có khả năng cạnh tranh cao trong ngành Đồ uống Việt Nam.

Tháng 4-2008, SABECO chính thức chuyển sang cơ chế Tổng Công ty Cổ phần, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề, trong đó tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính là bia - rượu - nước giải khát. Ngày 27-11-2010,  SABECO vui mừng đánh dấu cột mốc hoàn thành 1 tỷ lít Bia Sài Gòn các loại, đó là kết quả của sự phối hợp thực hiện đúng đắn các chiến lược tăng tốc sản xuất tại các nhà máy trên toàn quốc, ổn định sản phẩm qua việc xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, HACCP RvA; Một tỷ lít bia là con số đánh dấu cho từng chặng đường phát triển của SABECO nhằm tiến nhanh và xa hơn nữa trong việc chinh phục khách hàng Việt Nam và thế giới.

Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO) tiền thân là một phân xưởng nhỏ của một người Pháp đến năm 1910, trở thành nhà máy chủ yếu là sản xuất bia, nước ngọt và nước đá. Năm 1927, các nhà máy bia ở Đông Dương hợp doanh lại thành Công ty Bia - Đá Đông Dương (tên tiếng Pháp là Brasserie et glacière de IIndochine, viết tắt là B.G.I), đến năm 1945, nhà máy đã sản xuất được khoảng 20 - 25 triệu lít/năm. Năm 1964, nhà máy bia lúc này được gọi là Nhà máy Bia Chợ Lớn, từ đây đến năm 1974 sản lượng lúc cao nhất của nhà máy đạt 147 triệu lít/năm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo Quyết định số 854/LTTP ngày 17-5-1977 của Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm, Công ty Rượu Bia miền Nam tiếp nhận và quản lý toàn bộ cơ sở của hãng B.G.I. Theo biên bản ký kết  bàn giao, Công ty Rượu Bia miền Nam chính thức tiếp nhận, quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ 1-6-1977 và ngày đó, đã chính thức trở thành ngày truyền thống của SABECO.

Phương Nam

Tin cùng chuyên mục