Mekong Festival 2006

Sắc màu văn hóa du lịch

Những ngày diễn ra lễ hội đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang đã diễn ra khá nhộn nhịp, thu hút nhiều đoàn khách, đoàn du lịch lữ hành cùng người dân các tỉnh ĐBSCL…
Sắc màu văn hóa du lịch

Những ngày diễn ra lễ hội đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang đã diễn ra khá nhộn nhịp, thu hút nhiều đoàn khách, đoàn du lịch lữ hành cùng người dân các tỉnh ĐBSCL…

Sắc màu đồng bằng

Sắc màu văn hóa du lịch ảnh 1
Tranh làm bằng lá thốt nốt.

Cuộc gặp gỡ Mekong Festival 2006 đã bắt đầu từ hội chợ triển lãm ngành Du lịch - Thương mại tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi An Giang. Tại đây, lướt qua các gian hàng triển lãm, khách tham quan có dịp ghé thăm các tỉnh ĐBSCL, Ninh Thuận và hai đơn vị du lịch của Phnom Penh và Siêm Riệp (Vương quốc Campuchia).

Những nét riêng về văn hóa, làng nghề, sản phẩm mỹ nghệ địa phương được giới thiệu khá bắt mắt. Các tỉnh có ưu thế về du lịch sinh thái như Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp… giới thiệu những hình ảnh sông nước; biển, đảo, rừng tràm, rừng chim…, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang mang nét văn hóa tâm linh về hình ảnh những ngôi chùa đậm bản sắc dân tộc Khmer; tỉnh Bến Tre với đặc sản cây dừa được tận dụng tối đa.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trau chuốt công phu qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, thợ thủ công. Năm nay, đặc biệt, với gian hàng sản xuất tranh ghép lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng ở huyện Thoại Sơn, An Giang cũng tạo được sự chú ý của du khách.

Ông Tạng cho biết từ việc tìm hiểu độ bền, độ dẻo của lá cây thốt nốt, ông đã nghĩ đến sự ứng dụng nguyên liệu phong phú ở địa phương. Ông nói: “Tham dự gian hàng Mekong Festival, tôi có cơ hội thăm dò ý kiến khách tham quan và bắt đầu chú trọng đến đề tài thể hiện những nét đặc trưng lịch sử, màu sắc văn hóa quê hương nhiều hơn…”.

...Trong mắt du khách nước ngoài
Tái hiện lịch sử về vùng đất, con người Nam bộ xưa và nay được dàn dựng khá công phu, hoành tráng trong đêm khai mạc lễ hội. Nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer được coi là điểm nhấn chương trình qua sự biểu diễn của 13 đoàn nghệ thuật các tỉnh ĐBSCL. Không kể thêm về không khí nhộn nhịp và sự hào hứng của người dân thành phố Long Xuyên đi “trẩy hội”, Mekong Festival qua mắt du khách nước ngoài như thế nào?

Ông Andrew James Gordon, “chàng rể của An Giang” đánh giá tốt về đêm khai mạc lễ hội bằng cái nhìn khách quan. Ông Juan A. Ovejero Dohn, người Tây Ban Nha, một chuyên gia tư vấn về Tài nguyên thiên nhiên và phát triển, từ Hà Nội vào An Giang, cũng cho rằng “Mekong Festival 2006 tuy tổ chức trong thời gian khá ngắn nhưng thực hiện khá tốt và gây được ấn tượng tốt với khách tham quan từ những sắc màu đồng bằng và nhiều hoạt động quảng bá du lịch…”.

Nhưng, để Mekong Festival có thể vang xa và thu hút khách du lịch nước ngoài nhiều hơn, theo ý kiến của ông Kang Jong Deuk, Tổng Giám đốc Joint Venture Company Vietnam Travel Bureau, một công ty du lịch lớn của Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam nhận định: “Mỗi năm lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam khá đông (350.000 người trong năm 2005).

Phần lớn du khách Hàn Quốc muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa, đặc điểm, truyền thống của người Việt Nam. Cho nên, đây cũng là vấn đề cần được quan tâm của một lễ hội du lịch ở vùng ĐBSCL. Một kinh nghiệm thu hút khách của Hàn Quốc chính là vận dụng tối đa những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc vào công nghệ du lịch”.

Tin cùng chuyên mục