Ngày 26-5, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức lễ động thổ trái phép 2 ngọn hải đăng đa năng trên bãi đá ngầm Châu Viên và bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông. Cùng ngày, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng về chiến lược quân sự, nêu rõ hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nước này sẽ tiếp tục tổ chức và thực hiện các cuộc tuần tra, sẵn sàng chiến đấu thường kỳ cũng như duy trì hiện diện quân sự ở các vùng biển liên quan.
Trung Quốc tiếp tục phát ngôn ngang ngược
2 ngọn hải đăng đa năng nói trên cao 50m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Ngày 26-5, trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, các dự án cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa ở biển Đông sẽ nhằm phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. “Các dự án đó có một số chức năng phòng thủ cơ bản, không chỉ mang lại lợi ích cho Bắc Kinh mà cho cả cộng đồng quốc tế”. Ông này còn lớn tiếng cho rằng các hoạt động đó nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc; Hải quân Trung Quốc phải đối phó với các hoạt động do thám của tàu chiến và máy bay Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc trên biển Đông trong một thời gian dài.
Các dự án xây dựng trái phép của Trung Quốc trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Theo Xinhua, Sách Trắng Quốc phòng “Chiến lược quân sự Trung Quốc” có nội dung chủ yếu đề cập đến xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là Hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” và “bảo vệ trên các đại dương” để đối phó “mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.
Nguy cơ đối đầu tại biển Đông
Báo Japan Today ngày 26-5 đưa tin, bất chấp căng thẳng tại một số vùng biển tranh chấp, Nhật Bản lần đầu tiên sẽ tham gia một cuộc tập trận quân sự lớn của Mỹ và Australia. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 tới với 30.000 binh sĩ Mỹ, Australia cùng 40 quan chức và binh sĩ Nhật Bản, một động thái cho thấy Washington muốn tăng cường hợp tác giữa các đồng minh tại châu Á.
Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng tuyên bố các máy bay chiến đấu và thương mại của nước này sẽ tiếp tục các chuyến bay trên các bãi đá ngầm ở biển Đông. Tổng thống Aquino khẳng định không tồn tại Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực này, đồng thời nhấn mạnh Manila sẽ vẫn thực hiện các chuyến bay thông thường trên cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước mà nước này tham gia.
Trong bối cảnh này, các quốc gia Đông Nam Á đang ưu tiên dành chi tiêu quân sự cho lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển. Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s ước tính chi tiêu quốc phòng hàng năm tại Đông Nam Á sẽ đạt mức 52 tỷ USD trước năm 2020, so với mức dự kiến 42 tỷ USD trong năm 2015. Theo IHS, 10 nước Đông Nam Á dự kiến sẽ chi 58 tỷ USD cho trang thiết bị quân sự mới trong 5 năm tới, trong đó hoạt động mua sắm cho hải quân sẽ chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều khả năng phần lớn số trang thiết bị này sẽ được sử dụng tại hoặc quanh biển Đông - nơi hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Bắc Kinh khiến một số nước châu Á quan ngại và làm gia tăng căng thẳng giữa hải quân Trung Quốc và không quân Mỹ.
Tuy nhiên, khi năng lực trên biển của các nước Đông Nam Á được nâng cao cũng đồng nghĩa các cuộc đối đầu trên tuyến đường biển tranh chấp này sẽ ngày càng khó kiềm chế hơn. Tham vọng nâng cao năng lực hàng hải thể hiện rõ ở Triển lãm Quốc phòng biển quốc tế châu Á 2015 (IMDEX ASIA 2015), tổ chức tại Singapore từ ngày 19 đến 21-5 vừa qua. Các mô hình tàu ngầm tân tiến, tàu chiến, tàu tuần tra và các tàu đổ bộ; máy bay không người lái và máy bay do thám đều được trưng bày tại triển lãm này.
HẠNH CHI (tổng hợp)