Sản phẩm xanh- Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Sản phẩm xanh- Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Gần đây, các cụm từ như sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh, tiêu dùng xanh… ngày càng được nhiều người biết đến. Trong đó, chiến dịch tiêu dùng xanh ngày càng nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều bạn trẻ và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tiêu dùng sản phẩm xanh đã và đang là xu hướng chủ đạo trong mua sắm của người tiêu dùng hiện đại.

Chiến dịch tiêu dùng xanh ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng

Chiến dịch tiêu dùng xanh ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng

Khi người tiêu dùng lên tiếng

Ngày nay, khái niệm “người tiêu dùng xanh” không còn xa lạ với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là những người tiêu dùng (NTD) có ý thức bảo vệ môi trường cao, luôn quan tâm đến những sản phẩm thân thiện với môi trường và tẩy chay những gì gây hại cho môi trường. Thực tế này cho thấy, chỉ những doanh nghiệp (DN) có chiến lược phát triển bền vững, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường mới có thể chiếm được thiện cảm của NTD. Khi trình độ công nghệ đã phát triển, các thương hiệu đều có những lợi thế cạnh tranh nhất định thì việc tạo ra các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường… chính là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng uy tín và hình ảnh của DN trong cộng đồng.

Chị Lê Trần Minh Thư, nhân viên Công ty Hoa Mặt Trời cho biết, NTD hiện đại không chỉ muốn sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý mà còn muốn sản phẩm đó phải an toàn và thân thiện với môi trường. Vì vậy, ngày càng có nhiều người sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho một sản phẩm cùng loại nhưng được sản xuất bằng công nghệ xanh từ nguồn nguyên liệu sạch. Thực tế cho thấy, sản phẩm xanh có thể mắc hơn một chút trước mắt nhưng lại rẻ hơn nếu sử dụng lâu dài và sức khỏe được bảo vệ. Bản thân chị cũng đã tẩy chay mạnh mẽ đối với sản phẩm của những DN không thân thiện với môi trường như Công ty Vedan trước đây. Điều mà chị băn khoăn nhất đó là những sản phẩm xanh, sản phẩm sạch còn rất hạn chế trên thị trường.

Anh Mai Văn Dương, nhân viên Công ty Lương thực TPHCM cũng chia sẻ, sản phẩm xanh hiện nay được rất nhiều người lựa chọn. Bởi vì, khi đã có điều kiện thì NTD ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của bản thân. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ giúp NTD bảo vệ tốt hơn sức khỏe của mình mà còn hướng tới một sự phát triển bền vững trong cả cộng đồng. Tôi là người hay mua hàng ở trong siêu thị về dùng, nhưng nói thật, tìm những sản phẩm này khó quá vì rất ít được bày bán, tôi thấy hàng nào cũng như hàng nào không biết chất lượng ra sao. Tôi hy vọng, cần phải có biện pháp để NTD nhận diện tốt hơn. Chẳng hạn như gần đây, vào một số siêu thị Co.op Mart tôi thấy một số sản phẩm có ghi dòng chữ “sản phẩm của doanh nghiệp xanh”. Nếu sản phẩm nào cũng ghi rõ ràng như vậy thì NTD cảm thấy an tâm hơn.

Phần còn lại thuộc về doanh nghiệp

Khi quyền tiêu dùng của con người được thực thi, họ có thể từ chối mua một loại sản phẩm nào đó có vấn đề về độ an toàn, chất lượng hay gây hại cho môi trường sống. Khi cần thiết, họ cũng có thể biểu tình hay phát biểu trên các phương tiện truyền thông để bày tỏ quan điểm của mình về một sản phẩm nào đó.Với cách này, NTD ở nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil... đã buộc nhiều công ty đa quốc gia phải nhượng bộ. Ở Việt Nam, do nền kinh tế thị trường phát triển chưa lâu nên những quyền căn bản này vẫn chưa được NTD ứng dụng một cách thường xuyên. Tuy nhiên, với nhiều DN có định hướng làm ăn bài bản, lâu dài thì tạo ra những sản phẩm có “tiếng tốt” về bảo vệ môi trường cũng là một lợi thế để cạnh tranh.

Các chuyên gia cũng đã nhận định: trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ xanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cả tương đối đắt. Tuy nhiên, ngoài việc hướng đến sự phát triển bền vững thì đây cũng được xem là một giải pháp đầu tư hết sức hiệu quả, có thể gọi là đắt trước, rẻ sau làm giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả tiếp thị và đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường thì chính DN sẽ được hưởng lợi trước tiên khi nhân viên của họ được bảo đảm sức khỏe và qua đó có thể nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, DN quan tâm bảo vệ môi trường cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của nhân viên cũng như cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là lý do các sản phẩm xanh thường được NTD ưa chuộng vì biết rằng mình đang dùng những sản phẩm được làm theo một qui trình sản xuất sạch, bởi một DN có trách nhiệm.

Đại diện Quỹ tái chế chất thải TP.HCM cho rằng, do nhà nước chưa luật hóa việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; nhận thức của DN cũng như cộng đồng về vấn đề tiêu dùng xanh chưa cao. Và quan trọng hơn hết, điều kiện kinh tế hoàn cảnh người dân nói chung chưa đủ giàu để thực hiện tiêu dùng xanh. Những sản phẩm thân thiện môi trường thường có giá thành cao hơn những sản phẩm thông thường. Để sản phẩm xanh trở thành sản phẩm thông dụng trong xã hội, có khả năng thay thế được sản phẩm cùng loại chưa thân thiện môi trường thì ngoài việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh, các cơ quan chức năng, DN cần chủ động hơn trong việc tạo ra nguồn cung phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng sản phẩm xanh. Mặt khác, việc NTD thực thi quyền tiêu dùng của mình sẽ là áp lực lớn để các DN thay đổi nhận thức trong sản xuất.

HÀ VĂN

Tin cùng chuyên mục