
Việt Nam gia nhập WTO đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức, xây dựng thương hiệu đủ mạnh để vững vàng cạnh tranh khi hàng hóa các nước đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Một số thương hiệu mạnh, được định giá hàng triệu USD của Việt Nam, đang sẵn sàng để hội nhập.
- Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1:
Năm 2007, Kỳ Lân xanh sung sức chiếm lĩnh thị trường

Xi măng Hà Tiên 1 vừa ký kết gói thầu số 2A: Cung cấp thiết bị, công nghệ cho Nhà máy Xi măng Bình Phước.
Ảnh: P.N.
Con Kỳ Lân xanh, biểu tượng của Xi măng Hà Tiên 1, đã qua tuổi 40 nhưng trước yêu cầu hội nhập, được tiếp sức bằng việc thay đổi cơ cấu vốn và tổ chức, thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp đã tiến hành đổi mới điều lệ cũng như phương hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh những năm tới.
Sản phẩm Xi măng Hà Tiên 1, với biểu tượng Kỳ Lân xanh là một sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm hàng chục năm qua trên thị trường cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Không chỉ có vậy, Kỳ Lân xanh còn muốn vươn ra thị trường thế giới, bằng việc thăm dò thị trường Campuchia và đang hoạch định kế hoạch tổ chức mạng lưới tiêu thụ tại đây.
Mới đây, Xi măng Hà tiên 1 đã tiến hành cổ phần hóa là một cơ hội để doanh nghiệp tăng quy mô về vốn, năng lực quản lý, khả năng giám sát và kiểm soát để giúp doanh nghiệp chủ động và cũng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Những năm qua, Hà Tiên 1 đã nỗ lực xây dựng hệ thống đại lý tiêu thụ, với nhiều chính sách chăm sóc khách hàng, không ngừng giữ vững và ổn định chất lượng sản phẩm, với khẩu hiệu “lớn mạnh vì bạn và do bạn”.
Uy tín thương hiệu của Kỳ Lân xanh được thị trường ghi nhận qua kết quả bán đấu giá lần đầu 35% cổ phiếu ra công chúng, đã thu được số tiền vượt quá số vốn của nhà nước tại doanh nghiệp tới 33 tỷ đồng (913 tỷ đồng so với vốn doanh nghiệp 880 tỷ đồng); lượng cổ phiếu được đặt mua tăng gấp 5,75 lần lượng bán ra; giá đấu bình quân gấp 2,77 lần giá sàn.
Trong năm 2007, Hà Tiên 1 sau khi chuyển thành công ty cổ phần sẽ phải tiếp tục đổi mới và phát triển hơn nữa để thương hiệu Hà Tiên 1 luôn luôn vững mạnh trên thương trường.
- Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Tiến:
Đã sẵn sàng cho những cơ hội làm ăn lớn
Cách đây 5 năm, Tổng Công ty Việt Tiến, chúng tôi đã xây dựng lộ trình hội nhập kinh tế thế giới, tự đưa những đầu bài để giải quyết từng vấn đề của doanh nghiệp, chủ yếu phải đáp ứng các tiêu chí mà khách hàng lớn của Mỹ thường yêu cầu.
Đến nay, công ty đã giải quyết tốt các vấn đề công suất-công nghệ-thương hiệu và hệ thống phân phối, do vậy, đã rất sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng lớn. Để đạt được kết quả như vậy, Việt Tiến đã tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ-con, với hình thức đa sở hữu.
Trong đó, công ty mẹ đầu tư vốn, công nghệ và hỗ trợ thị trường cho các công ty con, quan hệ mẹ-con là quan hệ tài chính. Quá trình tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp cũng giúp Việt Tiến tinh giản bộ máy quản lý thật gọn nhẹ, thật tinh thông nghiệp vụ; chuyển giao công nghệ và phát triển các nhà máy mới tại 7 tỉnh, thành để thu hút nguồn nhân công tại chỗ, giảm chi phí quản lý và nhiều chi phí khác; xây dựng thương hiệu phù hợp với phân khúc đẳng cấp thị trường và hệ thống phân phối khắp các địa phương cũng như ra nước ngoài.
Bước qua năm 2007, Việt Tiến cho rằng ngành dệt, may cần phải chuẩn bị đối phó với tình trạng kiện chống phá giá. Chính vì vậy, các doanh nghiệp và bản thân Việt Tiến cần thực hiện mua nguyên phụ liệu từ những nền kinh tế được coi là kinh tế thị trường, như vậy sẽ minh bạch và dễ dàng chứng minh được giá thành khi có sự cố bị kiện chẳng hạn.
Với những loại nguyên liệu từ các nước chưa được coi là có nền kinh tế thị trường, cần thận trọng, vì như vậy sẽ khó chứng minh kết cấu giá thành và chất lượng sản phẩm, khó có thể bảo đảm uy tín thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
- Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk):
Vinamilk chủ động nguồn nguyên liệu
Trong thời gian qua, Vinamilk đã đầu tư đồng bộ tất cả các dây chuyền sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thương hiệu Vinamilk từ lâu được người tiêu dùng tín nhiệm nên đã vượt qua được khó khăn này. Chúng tôi rất cảm ơn người tiêu dùng trong nước đã tín nhiệm sản phẩm của Vinamilk và cam kết sẽ không ngừng nỗ lực đáp ứng yêu cầu cao nhất của người tiêu dùng.
Năm 2007, Vinamilk sẽ nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất và quản lý, trong đó, tổ chức chăn nuôi đàn bò và khai thác sữa quy mô công nghiệp tại Tuyên Quang. Vinamilk đã đầu tư cho nông trường bò sữa này với kinh phí khoảng 55 tỷ đồng và đàn bò 1.200 con.
Đây là nông trường được đầu tư hệ thống máy vắt sữa công nghiệp tự động của Thụy Điển hiện đại nhất nước, ngang tầm quốc tế. Chính qua mô hình này, chúng tôi đã tính toán chi phí giá thành từng lít sữa, từ đó có cơ sở để đề xuất giá thu mua hợp lý cho bà con nông dân.
Cũng từ đây, Vinamilk đang xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung tại Lâm Đồng, Nghệ An, với khoảng 4 trại chăn nuôi quy mô lớn, với tổng kinh phí trên 10 triệu USD. Trong vòng 3 năm tới, đàn bò sữa do công ty quản lý sẽ vào khoảng 5.000 con, cùng với lượng sữa mua trong dân, sẽ cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.
Năm 2007, Vinamilk dự kiến giao dịch trên sàn chứng khoán Singapore. Như vậy, mọi hoạt động của công ty đều phải minh bạch và thương hiệu Vinamilk sẽ ngày càng mạnh hơn, có giá trị cao hơn.
VĂN THIÊN LỘC