Sản xuất hydro xanh: Cuộc chạy đua địa chính trị năng lượng mới

Thị trường năng lượng toàn cầu nhiều biến động, khiến thế giới ráo riết chạy đua tìm kiếm nguồn năng lượng mới - như hydro xanh. Ứng viên đầy tiềm năng này được dự báo có thể gây tác động lên bản đồ địa chính trị năng lượng trên toàn cầu.
Trạm tiếp nhiên liệu hydro Iwatani ở Ariake, Tokyo, Nhật Bản
Trạm tiếp nhiên liệu hydro Iwatani ở Ariake, Tokyo, Nhật Bản

Đáp ứng xu hướng 

 Hydro xanh là tân binh trong khối hydro, và không sản sinh CO2 vì được sản xuất bằng năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, gió, nước - trái ngược với hydro xám, vốn dựa trên dầu khí và hiện chiếm hơn 95% thị trường (với sản lượng toàn thế giới khoảng 90 triệu tấn). Ngoài ra, còn có hydro lam được tạo thành từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng lại lưu giữ CO2, được nhiều nhà sản xuất khí đốt tự nhiên rất quan tâm.

Nhưng hiện nay, xung đột và giá cả tăng vọt đang khiến cuộc chơi thay đổi theo hướng có lợi cho hydro xanh. Đây cũng là một loại nhiên liệu phù hợp đối với các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, và có thể dùng cho các loại phương tiện giao thông chuyên biệt, chẳng hạn như các phương tiện trọng tải lớn hoặc các thiết bị cầu cảng hậu cần, vì nó giàu năng lượng gấp 3 lần so với xăng.

Theo nhật báo Pháp Le Figaro, ngoài mục tiêu thay thế dầu mỏ và khí đốt, hydro xanh đang trở thành một phần của giải pháp giúp đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, cuộc chạy đua phát triển hydro xanh có nguy cơ làm thay đổi sâu sắc bản đồ địa chính trị năng lượng.

Theo chuyên gia năng lượng quốc tế Philippe Copinschi thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Paris, hệ lụy lớn nhất là suy yếu vị thế của các nước xuất khẩu năng lượng hóa thạch (khí đốt, dầu lửa, than đá). Điều này có thể làm giảm căng thẳng và xung đột tại Trung Đông, nhưng cũng gia tăng nguy cơ bất ổn nội bộ do nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa, khí đốt bị giảm sút. Các căng thẳng mới sẽ hình thành xung quanh khả năng làm chủ công nghệ sản xuất hydro xanh, nguồn nước ngọt, hạ tầng và nỗ lực đảm bảo an ninh cho các tuyến đường vận chuyển hydro đang định hình.

Việc huy động các bên tham gia, tư nhân và nhà nước, có thể làm thay đổi bản đồ địa chính trị năng lượng thế giới do phụ thuộc một phần quan trọng vào các dự án sản xuất và cung ứng hydro. Cho đến nay, khoảng 40 quốc gia đã xác định lộ trình phát triển loại năng lượng này.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế ước tính, vào năm 2050, 1/3 lượng hydro xanh sẽ được xuất khẩu, cao hơn tỷ lệ của thị trường khí đốt hiện tại (25%). Trước khi nổ ra căng thẳng ở Ukraine, các chuyên gia dự đoán đến năm 2050, hydro xanh sẽ chiếm 10-15% năng lượng tiêu thụ. Đến khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp của cuộc chiến năng lượng mới, châu Âu buộc phải đẩy nhanh việc sản xuất hydro xanh trên quy mô lớn để tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga. 

Ưu tiên sản xuất thương mại 

 Hầu hết chiến lược của một số quốc gia được công bố ưu tiên nguồn đầu tư công trong giai đoạn đầu của công nghiệp hydro từ nay đến năm 2030. Chẳng hạn, Đức dự kiến chi khoảng 10,5 tỷ USD từ ngân sách, kỳ vọng sẽ kéo theo các nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực hydro xanh, với tham vọng trở thành nhà sản xuất và cung cấp khí hydro hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Pháp hướng đến sử dụng 10% hydro xanh trong công nghiệp vào năm 2022 và tăng lên tỷ lệ 20-40% vào năm 2027. Romania cũng đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ hydro xanh, bằng cách thành lập Trung tâm ROHYDROHUB chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này. 

Điểm tương đồng trong chiến lược của hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) là ứng dụng hydro xanh trong sản xuất thương mại và vận tải hàng hóa. Ủy ban châu Âu cũng đã công bố “Chiến lược hydro mới” đến năm 2050, mục tiêu loại bỏ dần phát thải khí nhà kính trong tất cả lĩnh vực trên toàn EU, đồng thời phát triển hơn nữa hydro tái sử dụng. Hiện EU có hơn 70 dự án nghiên cứu và phát triển hydro đang được tiến hành từ các chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp. 

Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong nghiên cứu, phát triển công nghệ và hướng đến nền kinh tế hydro. Từ năm 1992, Nhật Bản đã thiết lập Mạng lưới năng lượng sạch quốc tế sử dụng hydro - một chương trình tập trung nghiên cứu, phát triển những công nghệ hydro trong 10 năm. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã đưa ra nhiều kế hoạch, lộ trình chiến lược quốc gia về hydro xanh và pin nhiên liệu. Hàn Quốc cũng nhắm đến mục tiêu đứng hàng đầu thế giới về thị phần ô tô chạy bằng hydro xanh và pin nhiên liệu hydro. 

Từ tháng 8-2021, Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành trung tâm quốc tế sản xuất và xuất khẩu hydro xanh. Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, đây là loại năng lượng quan trọng để đạt được “bước nhảy vọt lượng tử” hướng tới khả năng độc lập về năng lượng. Australia cũng có kế hoạch trở thành một trong 3 nhà xuất khẩu hydro hàng đầu cho các thị trường châu Á vào năm 2030 và đã đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất hydro xanh xuống dưới 1,4 USD/kg.

Chính phủ Australia vào tháng 9-2021 đã công bố kế hoạch tài trợ mới gần 350 triệu USD để thúc đẩy ngành công nghiệp hydro, ưu tiên cho các khu vực chuyển đổi các hoạt động kinh tế khỏi các công việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế dự báo đến năm 2050, hydro xanh sẽ chiếm 12% năng lượng sử dụng toàn cầu. Dự kiến, khoảng 160 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030, và một nửa trong số đó dành cho hydro xanh.

Tin cùng chuyên mục