Sáng tạo dạy học trong mùa dịch

Dù còn nhiều bỡ ngỡ với hình thức dạy học trực tuyến, nhưng bằng sự quyết tâm và kiên trì, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông đã đem đến nhiều cách dạy học sáng tạo và mới lạ, giúp học sinh không chỉ bổ sung kiến thức mà còn trang bị các kỹ năng sống lành mạnh, sử dụng có hiệu quả thời gian nghỉ học ở nhà vì dịch Covid-19. 
Chị em Hoàng Hà và Ái Linh (lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc - Ruby School, quận Tân Phú, TPHCM) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA
Chị em Hoàng Hà và Ái Linh (lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc - Ruby School, quận Tân Phú, TPHCM) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA

Áp dụng nhiều phương pháp

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết những ngày đầu mới triển khai dạy học trực tuyến, thầy đã làm một đoạn video clip hướng dẫn chi tiết cho phụ huynh các bước tải ứng dụng, cài đặt phần mềm và tạo tài khoản tự học trên máy tính hoặc điện thoại di động. Tuy nhiên, có phụ huynh xem xong một lần hiểu ngay và thực hiện được, nhưng cũng có người không làm được, phải nhờ thầy giáo trợ giúp. “Có trường hợp sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại, phụ huynh vẫn không làm được, phải tình nguyện đến nhà giúp phụ huynh cài đặt”, thầy Sơn chia sẻ. 

Cùng chung nỗ lực đó, cô Nguyễn Thị Vũ Huệ, giáo viên môn Ngữ văn - Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), bày tỏ, giáo viên khi triển khai dạy học qua mạng luôn cố gắng cho học sinh tiếp cận cái mới, cái hay, nhưng hiệu quả học sinh tiếp nhận không đồng nhất. Có em đáp ứng được, có học sinh gặp khó khăn, có em vài lần kết nối không được sẽ nản, không muốn theo lớp học. 

Từ thực tế đó, cô Huệ khẳng định: “Công cụ nào tiện lợi nhất thì dùng cho học sinh. Tôi không chỉ định nữa mà cho các em tùy chọn công cụ, trò thích sử dụng phần mềm nào cô theo trò cái đó, miễn sao cô trò cùng học tốt là được”. Qua nhiều lần thử nghiệm các ứng dụng, đến nay giáo viên này sử dụng song song 2 công cụ là Zoom và Skype để dạy học trực tuyến cho học sinh. 

Em Nguyễn Huỳnh Bách (phải, lớp 7 Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7) và em Nguyễn Huỳnh Thông (trái, lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7) đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: THANH TÙNG   
Còn cô Trần Ngọc Thủy, giáo viên một trường THCS ngoài công lập ở quận 10, so sánh với dạy học trực tiếp giáo viên có thể dễ dàng nắm bắt mức độ tập trung của học sinh thông qua cử chỉ, giọng nói; còn với dạy học qua mạng, người thầy phải thường xuyên theo dõi biểu lộ sắc mặt và mức độ tương tác của học sinh để điều chỉnh bài giảng hợp lý. Cụ thể, giáo viên này cho biết trước mỗi buổi dạy, ngoài giáo án người thầy cần chuẩn bị, còn cài sẵn nhiều trò chơi tương tác, tranh ảnh biếm họa, hoặc các đoạn phim ngắn để làm tăng hứng thú của học sinh đối với bài giảng. Ngoài ra, giáo viên nên chia nhỏ lượng kiến thức trong mỗi buổi dạy, tăng cường các hoạt động tương tác nhằm giúp học sinh duy trì thói quen tự học ở nhà.   

 
Đồng hành cùng học sinh

Với học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhắn nhủ: “Ở nhà các em đừng quên tập thể dục thể thao, phụ ba mẹ làm việc nhà, dọn dẹp nhà cửa, hướng dẫn các em nhỏ học bài…”. Đồng thời, gợi ý học sinh hãy mạnh dạn đăng ký các khóa học trực tuyến về ngoại ngữ và tin học trong giai đoạn trường học tạm đóng cửa, để sau khi đi học trở lại, học sinh có thể sở hữu các chứng chỉ quan trọng đó. Mới đây, cô Ngô Thị Hồng Ngọc, giáo viên dạy nghề và bộ môn Thủ công - Trường THPT Bùi Thị Xuân, đã thành lập kênh YouTube và trang fanpage chuyên dạy nấu ăn cho học sinh. Trong đó, cô thường xuyên cập nhật các đoạn video clip hướng dẫn từ khâu chọn mua, sơ chế nguyên liệu đến cách nấu nhiều món ăn đơn giản, phù hợp nhu cầu dinh dưỡng và sinh hoạt tại nhà của học sinh. 

Trường THPT Bùi Thị Xuân là một trong những trường học đầu tiên của TPHCM đưa bộ môn nấu ăn vào chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khối 12. Trong hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, với mong muốn không để thời gian ở nhà trôi qua lãng phí, ngoài việc dạy học, các thầy cô giáo còn tạo các kênh giải trí trực tuyến giúp học sinh trang bị các kỹ năng sống lành mạnh trong mùa dịch. 

Tương tự, nhiều trường như THPT Trưng Vương, THCS-THPT Nguyễn Khuyến… cũng duy trì các hoạt động trực tuyến đối với các câu lạc bộ, đội nhóm, nhằm tăng cường kỹ năng sống cho học sinh. 
 
Riêng với đối tượng học sinh lớp 12, nhằm đáp ứng nhu cầu hướng nghiệp cho học sinh, nhiều trường THPT đã triển khai các phần mềm tư vấn hướng nghiệp trực tuyến. Đơn cử, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhà trường đang triển khai phần mềm khảo sát năng lực nhằm giúp không chỉ phụ huynh mà cả học sinh nắm bắt khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai, sự phân chia của các ngành học, công tác tuyển sinh của các trường đại học trong và ngoài nước. Ngoài ra, theo TS Đào Lê Hòa An, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh có thể làm quen với các phần mềm tư vấn hướng nghiệp trực tuyến, giúp các em giải quyết từ xa những câu hỏi, băn khoăn về lựa chọn ngành nghề, từ đó chủ động định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Thầy Nguyễn Hùng Khương nhắn gửi đến học sinh: “Học online sẽ không thể tốt như học trực tiếp nên để việc học đạt hiệu quả, các em cần chủ động ôn bài, xem bài học trước khi vô tiết dạy. Trong khi học, các em cũng đừng ngại tương tác với thầy cô, để lớp học sinh động. Ngoài ra, trên Internet và YouTube hiện nay có rất nhiều clip bài giảng hay, nên ngoài giờ học trực tuyến, các em hãy xem các clip bài giảng để được ôn tập và nâng cao kiến thức”. 

Tin cùng chuyên mục