Anh ruột tôi tên Trần Văn Hải, sinh năm 1950. Năm 1951, tức là một năm sau, lúc anh mới một tuổi thì qua đời do một cơn bệnh nặng. Anh Hải chết tại nhà cha mẹ tôi ở số 93/134 đường Bạch Vân P5 Q5. Do anh tôi chết lúc còn rất nhỏ, cha mẹ tôi lại là người Hoa, ít am hiểu pháp luật nên lúc đó không làm giấy khai tử cho anh, vì vậy trong sổ bộ khai tử Chợ Lớn năm 1951 không có tên anh tôi.
Mới đây, gia đình tôi đi làm thủ tục chia di sản thừa kế nên chính quyền địa phương yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh anh Hải đã chết. Một cán bộ Tòa án Nhân dân quận 5 cho biết: nếu xin TAND quận ra quyết định khai tử anh Hải thì thủ tục sẽ kéo dài vì phải đợi niêm yết 6 tháng nếu không có ai phản hồi tòa mới có quyết định. Còn nếu làm thủ tục theo Luật Hộ tịch thì có thể xin UBND phường khai tử trễ hạn theo tinh thần Nghị định 158/CP về Đăng ký và quản lý hộ tịch.
Tôi liền làm đơn gửi lên UBND P5 Q5 và có cả hai người thân làm chứng là người cậu ruột 80 tuổi và người cô ruột 78 tuổi, biết rõ về cái chết của anh tôi. Thế nhưng, không hiểu sao UBND P5 Q5 vẫn từ chối cấp giấy khai tử cho anh tôi!? Khi tôi hỏi vì sao không cấp giấy khai tử thì UBND P5 trả lời: do không có hình ảnh đám tang, bia mộ…
Đáng nói, vào những năm 1950-1951, rất ít người lao động nào chụp hình đám tang hay có ảnh bia mộ về một đứa bé chết lúc 1 tuổi, vậy mà gần 60 năm sau họ lại đòi hỏi những điều vô lý này. Vì phải đi lại nhiều lần mà vẫn không xong việc, một lần nữa tôi lại làm đơn khiếu nại lên phường.
Phường không những không giải quyết mà còn “đá quả bóng trách nhiệm” lên Phòng Tư pháp quận 5. Đáng buồn, Phòng Tư pháp quận 5 có văn bản trả lời từ chối việc cấp giấy khai tử cho anh tôi vì đòi hỏi “Người làm chứng phải đủ năng lực hành vi dân sự và biết rõ việc làm chứng…”.
Tôi không khỏi ngạc nhiên vì cô cậu tôi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và chưa hề bị tòa án tước quyền hay hạn chế năng lực, sao Phòng Tư pháp quận 5 không giải quyết dù cô cậu tôi là người biết rất rõ về cái chết của anh tôi. Thiết nghĩ, việc UBND P5 Q5 và Phòng Tư pháp Q5 khước từ làm giấy khai tử trễ hạn cho anh tôi là thiếu trách nhiệm với dân và làm sai quy định pháp luật.
Vẫn không nguôi thắc mắc trong lòng, tôi lại tìm đến Hội Luật gia TPHCM để được tư vấn pháp luật, qua đó được luật gia hướng dẫn hai cách để xác nhận về cái chết của anh tôi. Một là, xin tòa án tuyên bố đã chết; hai là xin khai tử trễ hạn. Khi tôi đến TAND Q5, một cán bộ chỉ rõ việc UBND P5 và Phòng Tư pháp Q5 từ chối không khai tử cho anh tôi là không đúng quy định của pháp luật.
Cho đến nay, việc khai tử cho anh tôi vẫn gặp bế tắc. Với hy vọng cuối cùng, chiều 11-12, tôi đến Báo SGGP nhờ luật sư Phạm Quang Hiệp tư vấn miễn phí thì được nghe luật sư khẳng định: “Một đứa trẻ chết khi chưa đầy 1 tuổi thì không thể làm thủ tục mất tích gửi tòa án mà UBND P5 Q5 chính là nơi giải quyết khai tử trễ hạn cho người dân…”.
PHẠM VĂN KHÁNH
(Ngụ tại 93/134 đường Bạch Vân P5 Q5 TPHCM)