Sao thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân BHYT?

Sau gần 1 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít bất cập do việc hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành chức năng thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cụ thể như một số nội dung trong Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC ngày 14-8-2009 “Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế”, tại khoản 2, Điều 9 nêu rõ: “Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế không ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhưng không đủ thủ tục khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 28 Luật BHYT: người bệnh tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở y tế, sau đó mang chứng từ đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) để thanh toán. Căn cứ dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được cung cấp, tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và chứng từ hợp lệ, BHXH thanh toán cho người bệnh theo chi phí thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá mức quy định tại điểm 1 Phụ lục 2 ban hành kèm theo thông tư này”.

Cụ thể mức thanh toán một đợt điều trị ngoại trú là 55.000 đồng đối với bệnh viện hạng III trở xuống; 120.000 đồng đối với bệnh viện hạng II; 340.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; một đợt điều trị nội trú: 450.000 đồng đối với bệnh viện hạng III trở xuống; 1.200.000 đồng đối với bệnh viện hạng II; 3.600.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.

Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 7 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27-7-2009 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT” quy định: “Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng quy định tại Điều 21 Luật BHYT.

Cụ thể là thanh toán 70% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; 50% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng II và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; 30% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng I, hạng đặc biệt và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Theo tinh thần trên, phạm vi điều chỉnh cho từng hạng bệnh viện mà bệnh nhân có thẻ BHYT khám, điều trị được hưởng quyền lợi đã rõ ràng, vì sao Liên bộ Y tế - Tài chính lại thu hẹp bằng việc quy định trần thanh toán tối đa như Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC?

HUYỀN VY (Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục