Sát thủ máu lạnh

Việc đối tượng Nguyễn Văn Đông (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) một mình ra tay sát hại 4 thành viên gia đình em ruột là một hành vi phi nhân tính, đi ngược với luân thường đạo lý. Dưới góc độ tâm lý, chúng tôi xin phân tích một số khía cạnh về nguyên nhân cũng như đề xuất liệu pháp tâm lý để ngăn ngừa hành vi này.

Đã có không ít vụ hung thủ sát hại chính những người thân trong gia đình, họ hàng của mình, có nguyên nhân rất căn bản là sự lệch lạc nhận thức và bế tắc trong hành xử. Khi vụ việc xảy ra, họ không biết đi tìm sự công bằng thông qua hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi, mà tự mình đi giải quyết mâu thuẫn.

Tâm lý chung của những đối tượng này thường rất cố chấp, khăng khăng cho rằng bản thân mình là đúng, đang bị người khác coi thường và xâm phạm. Khi trong suy nghĩ chứa đựng hàng loạt những tiêu cực, nếu không được giải quyết, tháo gỡ, sẽ dẫn đến tâm lý dồn nén, bế tắc, bất lực của chính đối tượng.

Ngay trong vụ án này chúng ta cũng thấy rõ đối tượng ra tay sát hại chính người thân của mình cũng từ nguyên nhân của nhận thức sai lầm, coi thường tình cảm ruột thịt. Khi cảm thấy tình cảm anh em không có giá trị, đối tượng bất chấp luật pháp. Hành vi hung hãn của kẻ phạm tội diễn ra khi bế tắc về nhận thức, hoàn toàn mất khả năng làm chủ cảm xúc, dẫn đến sự ra tay tàn độc. Do tâm lý “không còn gì để mất”, nên sau khi tàn sát người mà mình căm phẫn, họ sẵn sàng ra tay tiếp tục thực hiện đối với những người khác. Đó là biểu biện tâm lý lây lan cảm xúc tiêu cực của những hung thủ máu lạnh. 

Để hạn chế được sự tàn độc như vậy, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ về giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình cần phải thường xuyên giáo dục cho các thành viên về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng giữa con người với con người, anh em trong gia đình đùm bọc lẫn nhau.

Nhà trường phải chú trọng hơn nữa việc dạy những nét tính cách đạo đức của người Việt, đưa những câu chuyện về lòng nhân ái, tính nhân văn làm gương sáng cho giới trẻ học tập. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng phải hình thành những kỹ năng kiểm soát cảm xúc cần thiết. Khi xảy ra mâu thuẫn thì mỗi người nên bình tĩnh để phân định đúng sai, phải trái. Nếu không giải quyết được thì tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Phải biết tiết chế, cân bằng cảm xúc bản thân. Không ít kẻ ác không làm chủ được thái độ của mình, bởi khi lòng tự ái nổi lên, cảm thấy thua thiệt, tâm lý hiếu thắng… sẽ luôn là nguyên nhân đi đến bạo lực, tàn sát.

Do vậy, khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ, nếu như mỗi người biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa, đặt mối quan hệ trong gia đình lên trên, thì có thể sẽ không dẫn đến những mâu thuẫn lớn. Khi nảy sinh xung đột với ai đó, hãy sáng suốt nhận thức rằng còn nhiều cách để xử lý thay vì là dùng bạo lực, gây thương tích cho người khác. Nếu như mỗi người ý thức được hành vi này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, không có cơ hội để chuộc những tội lỗi, thì ít khi xảy ra những hành động mang tính bạo lực.

Tin cùng chuyên mục