Ngày 19-9, truyền thông thế giới đưa tin, cuộc bầu cử nghị viện Berlin đã chứng kiến thất bại lịch sử của đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây là lời cảnh báo đối với chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel, được cho là yếu tố chính dẫn đến thất bại nặng nề dành cho CDU. Còn tại Nga, đảng Nước Nga thống nhất giành chiến thắng áp đảo so với các đảng chính trị khác.
Thất bại vì chính sách nhập cư
Bộ trưởng Tài chính bang Bavaria Markus Soeder, người của Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng “chị em” với CDU, đã gọi kết quả cuộc bầu cử nghị viện Berlin là lời cảnh báo thứ 2 trong hơn 2 tuần qua dành cho phe bảo thủ. Trước đó, CDU cũng đã thất bại trong cuộc bầu cử ở bang Mecklenburg-Vorpommern, nơi được xem là thành trì của đảng này.
Trong khi đó, nhờ khai thác tâm lý chống lại chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel, đảng dân túy cánh hữu AfD đã về đầu trong cuộc bầu cử tại bang Mecklenburg-Vorpommern. Họ tố cáo chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức và những nguy cơ mà chính sách này gây ra đối với đất nước khi tiếp nhận nhiều người nhập cư và do vậy càng mất an ninh hơn. Và giờ, với chiến thắng tại Berlin, AfD đã hiện diện ở 10/16 nghị viện bang.
Cách đây đúng một năm, Thủ tướng Merkel đã quyết định mở cửa nước Đức đón nhận người tị nạn, nhập cư. Chính sách này hiện là tâm điểm của mọi chỉ trích, kể cả trong hàng ngũ phe bảo thủ. Yêu cầu đòi cứng rắn với người nhập cư lan mạnh sau hàng loạt các cuộc tấn công ở Đức gây chấn động trong tháng 7 vừa qua, rải khắp từ Wurzburg, Munich, Reutlingen đến Ansbach. Dù những vụ tấn công này được cho là không có liên quan đến nhau, nhưng 3 trong 4 thủ phạm khủng bố là những thanh niên tị nạn mà nước Đức đã mở rộng vòng tay chào đón. Điều này hơn bao giờ hết đã làm dấy lên mối hoài nghi về quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Merkel.
Tối 19-9, tờ Guardian đưa tin bà Merkel đã nhận trách nhiệm về kết quả bầu cử ở Berlin, thừa nhận những sai lầm trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vào năm ngoái. Nhà lãnh đạo Đức mong muốn kéo lùi thời gian nếu có thể để nước Đức chuẩn bị tốt hơn, tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng như hiện nay.
Chọn sự ổn định
Với 93% số phiếu đã được kiểm, đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền đã giành thắng lợi áp đảo với 54,2% số phiếu bầu, bỏ xa đảng về thứ 2 là Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) giành được 13,46%, đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) được 13,25% và đảng Nước Nga công bằng (SR) được 6,17%. Với kết quả này, đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể giành 343 ghế trong Quốc hội gồm 450 thành viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nga, Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev phát biểu về kết quả bầu cử Duma Quốc gia
Tổng thống Putin khẳng định đảng Nước Nga thống nhất được người dân ủng hộ bất chấp tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn. Từ cuối năm 2014, kinh tế Nga phải đối mặt với 2 thách thức lớn.
Thứ nhất, là quốc gia chủ yếu xuất khẩu dầu và khí đốt, nhưng từ giữa năm 2014 dầu mỏ và khí đốt mất giá mạnh, làm mất đi một phần lớn các khoản thu nhập của Nga. Theo thẩm định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, là nguồn cung cấp thứ 2 trên thế giới, với giá dầu ở khoảng 55 USD/thùng, trong năm 2015, ngân sách của Nga bị thất thu khoảng 135 tỷ USD, tương đương với 10% GDP của nước này.
Thứ hai, Mỹ và các quốc gia phương Tây liên tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga và xung đột ở Ukraine. Để thích ứng với các thách thức, Nga đã cho thực hiện một loạt các chính sách như đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, thắt chặt chi tiêu công, thả nổi đồng rouble… Những chính sách đã phần nào giúp ổn định được kinh tế Nga.
Giới quan sát nhận định việc đảng Nước Nga thống nhất chiếm đa số phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia lần này cho thấy mong muốn của người Nga chính là sự ổn định.
ĐỖ CAO (tổng hợp)