Sau năm 2017 sẽ triển khai thi đánh giá năng lực?

Sau năm 2017 sẽ triển khai thi đánh giá năng lực?

Những ngày qua, phương án thi THPT và xét tuyển năm 2017 đã trở thành tâm điểm của dư luận. Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã xuất hiện ở nhiều diễn đàn, giải thích về sự đổi mới phương án thi 2017. Tuy nhiên, những điều chỉnh, đổi mới này vẫn gây băn khoăn, lo lắng từ học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Thi trắc nghiệm nhiều môn: Đề thi phân hóa lớn

Một trong những băn khoăn hiện nay của dư luận là việc đổi mới hình thức thi các môn. Theo đó, trừ môn Văn vẫn thi theo tự luận, tất cả các môn còn lại, kể cả Toán, Sử, Địa hay Giáo dục công dân (vốn là những môn thi tự luận từ trước đến nay) đều thi trắc nghiệm. Vì vậy mà dư luận lo thi trắc nghiệm sẽ khiến học sinh bỡ ngỡ và 1 năm học không đủ cho các em thích ứng. Ngoài ra, thi trắc nghiệm không đánh giá hết năng lực học sinh, có nhiều yếu tố may rủi vì thí sinh có thể khoanh bừa, và dù mỗi thí sinh trong một phòng thi có mã đề riêng thì vẫn không tránh khỏi việc các em giúp nhau làm bài…

Thi trắc nghiệm sẽ đưa vào hầu hết các môn

Về điều này, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đơn vị được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng ngân hàng đề thi kỳ thi 2017 cho rằng, thi trắc nghiệm không phải là hình thức kiểm tra, đánh giá xa lạ với học sinh phổ thông. Trong những năm học phổ thông các em đã được làm quen với hình thức này và cũng đã được ứng dụng trong các kỳ thi khác nhau. Qua thực tế kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG thí điểm trong 3 năm qua với hình thức thi phần lớn là thi trắc nghiệm, thí sinh làm bài rất thuận lợi. Nên việc thi trắc nghiệm trong năm nay hoàn toàn có thể triển khai được. Cũng theo PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, với việc đầu tháng 10 Bộ GD-ĐT công bố đề thi mẫu, có những hướng dẫn chi tiết thì các em có thể làm quen bắt đầu từ tháng 10 để có những điều chỉnh kịp thời trong việc học tập, ôn luyện. Trong dự kiến phương án tuyển sinh, môn Toán dự kiến có 50 câu còn mỗi bài thi tổ hợp có 60 câu, lượng câu hỏi là khá lớn.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc việc xác lập một cấu trúc đề thi chi tiết để công bố cho xã hội để học sinh nắm được. Chúng ta cũng sẽ phải tính toán số lượng bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu trung bình, bao nhiêu câu khó để đảm bảo được sự phân hóa lớn. Tất nhiên, một đề thi như vậy thì độ phân hóa sẽ lớn hơn so với các năm trước” - PGS-TS Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Bài thi tổ hợp nhưng điểm vẫn chấm theo từng môn

Điểm mới nhất trong phương án dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là lần đầu tiên xuất hiện bài thi tổ hợp. Cụ thể, thay vì có 8 môn riêng lẻ như năm 2016, kỳ thi sẽ có 5 bài thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: bài thi khoa học tự nhiên (KHTN - gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi khoa học xã hội (KHXH - gồm Sử, Địa, Giáo dục công dân). Cấu trúc đề theo tổ hợp các môn KHTN và KHXH gồm 60 câu, mỗi môn 20 câu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Ví dụ bài thi KHTN gồm có 20 câu hỏi của cấu phần môn Lý, 20 câu hỏi môn Hóa, 20 câu hỏi môn Sinh. Điểm khi chấm sẽ có điểm tổng hợp của bài thi tổ hợp và điểm của từng cấu phần. Khi sử dụng điểm để xét tuyển, các trường có thể dùng điểm của từng cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học.

“Ví dụ như khối A là Toán - Lý - Hóa thì thí sinh hoàn toàn có thể chỉ làm phần Lý, Hóa. Hay khối B thì chỉ làm Hóa, Sinh trong bài thi tổ hợp. Bởi theo phương án dự kiến thì việc xét tốt nghiệp căn cứ theo ba môn bắt buộc và một bài thi tự chọn. Nếu các em bị điểm liệt của cả bài thi mới không được xét tốt nghiệp, không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó. Khi ban hành quy chế thi, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể vấn đề điểm liệt” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết. Nếu trường sử dụng điểm của cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH thì đương nhiên thí sinh phải làm hết các môn mới có điểm tốt.

Vấn đề đặt ra là, nếu xét tuyển đại học chỉ dựa trên điểm của một số môn trong bài thi tổ hợp này thì sẽ xảy ra tình trạng người thi khối A1 chú trọng làm 20 câu Lý, trong khi người thi khối B phải chú trọng làm 40 câu Hóa và Sinh, người thi khối A sẽ phải chú trọng làm 40 câu Lý và Hóa cũng trong một khoảng thời gian là 90 phút. Như vậy là không hợp lý, thiếu công bằng. Ngoài ra, cũng không thể đáp ứng mục tiêu tránh học tủ, học lệch như bộ GD-ĐT mong muốn.

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Với phương án thi năm 2017, ngành giáo dục đang tiến thêm một bước trong đổi mới thi cử, đó là mới phương thức thi từ thi tự luận nhiều môn sang thi trắc nghiệm. Sau năm 2017, sẽ lại có một bước tiến dài hơn nữa để ổn định lâu dài, đó là sẽ hoàn toàn thi trên máy, mỗi em sẽ có một đề thi, sau khi làm bài xong các em sẽ có kết quả ngay như cách thi đánh giá năng lực mà hiện nay ĐHQG Hà Nội đang làm. Những kết quả và kinh nghiệm ĐHQG Hà Nội đạt được hoàn toàn có thể triển khai đại trà khi điều kiện cơ sở vật chất có thể đáp ứng.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục